Hậu quả của chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật ngày: 30/06/2016 05:11:49
Chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới đang khiến nhiều nơi không có khả năng thanh toán, nhiều địa phương đã để lại hậu quả lớn.
Thời gian gần đây, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến việc một loạt cán bộ ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cùng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
Nguyên nhân vì để xảy ra nhiều sai phạm trong xây dựng nông thôn mới, làm ngân sách địa phương phải gánh nợ hàng trăm tỷ đồng.
Việc đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới phải dựa trên sự tiến bộ xã hội
Cùng với đó, chuyện lãnh đạo huyện đã tự ý huy động hàng chục tỷ đồng cho chính địa phương mình quản lý vay sai nguyên tắc để xây dựng nông thôn mới vẫn còn “râm ran” đâu đó trong dư luận nhân dân.
Xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là một trong những điển hình cho thấy điểm bất cập lớn trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương trong thời gian qua.
Nhiều người dân nơi đây vẫn chưa quên được, việc để được công nhận xã nông thôn mới, cán bộ tiến hành họp dân yêu cầu phải làm cổng rào bằng bê-tông theo quy cách xã đưa ra cho dù nhiều hộ dân nơi đây còn rất nghèo với căn nhà tre lá che chở qua 2 mùa mưa nắng.
Dù cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề, nhưng để thực hiện theo yêu cầu của địa phương, người dân phải đi vay mượn tiền để làm cổng rào bê-tông “góp phần” để xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Huỳnh Thành Hữu - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn kiêm Phó chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cho rằng: “Nguyên nhân chạy theo thành tích là do nhận thức, tư duy về xác định mục tiêu chương trình chưa sát với thực tiễn”.
Hiện nay, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn nhiều địa phương dù được công nhận xã nông thôn mới như xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt.
Trong đó điều đáng quan tâm là đường giao thông liên ấp ở xã này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tại Tiền Giang, xã nông thôn mới Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho hiện tình trạng ô nhiễm môi trường từ các doanh nghiệp, trại chăn nuôi chưa được khắc phục. Trên địa bàn xã có nhiều tuyến đường chưa được nhựa hóa, bê tông hóa…
Số liệu thống kê kết quả xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL cho thấy, đến cuối năm 2015, toàn vùng có 236/1.260 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, chiếm 18,7% tổng số xã, cao hơn bình quân chung cả nước (ước khoảng 17%).
Tuy nhiên, nhìn trên thực tế cho thấy đã bộc lộ nhiều hạn chế mà tư duy chạy theo thành tích, nóng vội đã và đang là “điểm nghẽn” trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng phân tích: “Cơ sở hạ tầng một số nơi đầu tư quá trớn, quá mức, quá sức của mình nên dẫn tới nợ đọng. Cái này tôi cho rằng chạy theo thành tích mà nếu không khéo thì cân đối nguồn lực không nổi. Nếu không thanh toán được sẽ để lại hậu quả khôn lường”.
Ông Lê Huy Ngọ nêu rõ: Nôn nóng làm lấy được trong xây dựng nông thôn mới, làm để lấy thành tích, nhiều nhất là thành tích của cán bộ.
“Vung tay quá trán” khi xây dựng nông thôn mới, dẫn đến nợ đọng lớn là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm hiện nay không chỉ ở ĐBSCL mà trên bình diện cả nước. Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu: “Nếu không có những giải pháp bền vững để bảo vệ thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới thì được vài năm lại trở về nông thôn cũ”.
Ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện là cố vấn chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng: Các địa phương muốn được công nhận xã nông thôn mới phải cán đích thành công các tiêu chí.
Tuy nhiên, thật nguy hiểm khi con số thành tích đạt được lại không trùng khớp, thậm chí “xa lạ” với tình hình thực tế.
Ông Lê Huy Ngọ phân tích thêm, trong khi nguồn lực của nhà nước, nhân dân còn hạn chế thì lãnh đạo các địa phương phải nhận thức rõ để cải thiện đời sống người dân. Yêu cầu đặt ra là tập trung tái cơ cấu kinh tế.
Cùng với đó là tập trung phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp để góp phần thay đổi được diện mạo nông thôn.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ở một số nơi, chính quyền địa phương lại chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, thậm chí làm liều khi dựa vào doanh nghiệp, dẫn đến những hệ lụy khó có thể khắc phục.
“Nôn nóng làm lấy được, làm để lấy thành tích, trong đó lớn nhất là thành tích của cán bộ. Chứ còn dân chưa chắc được đâu. Nếu cứ đưa cho dân bàn, dân quyết, dân kiểm tra, đánh giá kết quả đó bằng sự hài lòng của người dân thì thành công”, ông Ngọ nhận xét.
Rõ ràng điều người dân mong mỏi là các địa phương cần lựa chọn triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp, không lãng phí, không chạy theo thành tích và nên cân nhắc các dự án xây dựng cơ bản khi đã cân đối đủ nguồn vốn.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương nêu rõ: Qua việc đánh giá những tồn tại của giai đoạn 1, hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát. Chúng ta phải chủ động để biết được tình hình xảy ra trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Không có việc lạm thu, không có việc giao doanh nghiệp triển khai mà chưa xác định được nguồn vốn dẫn đến nợ đọng, dẫn đến việc huy động nguồn lực không đúng chủ trương, chính sách”.
“Hiện chúng tôi cũng yêu cầu nếu như để xã, huyện về đích thì phải bảo đảm sự bền vững. Chỉ tiêu không nợ đọng trái quy định sẽ được đưa vào. Nếu địa phương nào vướng thì chúng tôi tham mưu chưa công nhận”, ông Tiến cho hay.
Đích đến của nông thôn mới vẫn còn đang ở phía trước. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với từng địa phương, khu vực.
Xây dựng nông thôn mới là công việc lâu dài, do đó trên thực tế, việc thực hiện các tiêu chí ở địa phương cần có kế hoạch và căn cơ cụ thể.
Việc đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới phải dựa trên sự tiến bộ xã hội, dựa trên sự thay đổi cả đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tránh việc chạy theo thành tích mà thiếu thực chất.
D.Út (Thanh Tùng/VOV)