Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 trước tháng 10/2024
Cập nhật ngày: 29/02/2024 05:45:39
Chiều 28/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 tổ chức phiên họp lần thứ nhất. Chủ trì phiên họp, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Quang cảnh phiên họp
Báo cáo tại phiên họp cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có 30/56 địa phương gửi phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 chậm so quy định của Chính phủ; một số bộ, ngành Trung ương còn chậm hoặc không cho ý kiến tham gia về phương án tổng thể của các địa phương.
Bên cạnh đó, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn. Trong đó, có 19/30 đơn vị hành chính cấp huyện đề nghị không sắp xếp (chiếm tỷ lệ 63,33%); cấp xã có 515/1.253 đơn vị hành chính cấp xã đề nghị không sắp xếp (chiếm tỷ lệ 41,1%).
Việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh.
Đồng thời, do số lượng đơn vị hành chính sắp xếp nhiều và diễn ra đồng thời với việc thực hiện chỉ đạo của Đảng và quy định pháp luật về tinh giản biên chế tạo ra áp lực lớn cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp…
Trước thực tiễn nêu trên, các ý kiến thảo luận tại phiên họp cho rằng, đối với các trường hợp thuộc diện sắp xếp nhưng địa phương đề xuất chưa hoặc không sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 phải giải trình thuyết phục, có đủ căn cứ theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Cụ thể, phải đáp ứng được đồng thời cả hai điều kiện: có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt; nếu việc sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Các ý kiến đề nghị thời gian tới cần tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật.
Rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính đã và sẽ sắp xếp gắn với điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở dôi dư; cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp thực tế địa phương.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chuyển đổi giấy tờ do có sự thay đổi từ việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách gắn với đơn vị hành chính cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng.
Việc sắp xếp phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.
Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp chỉ còn khoảng 6 tháng, nhưng do việc sắp xếp là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn.
Do đó, cần đưa kết quả triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính là một trong các tiêu chí đánh giá công tác thi đua-khen thưởng của cơ quan, đơn vị, địa phương và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Kiên quyết xem xét trách nhiệm đối với trường hợp địa phương không quyết liệt, có biểu hiện né tránh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Theo VĨNH KHANG (NDO)