Không thể lãng phí vì rượu, bia!
Cập nhật ngày: 10/04/2015 07:20:18
Mức tiêu thụ bia, rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây tăng gấp 2 lần, dự báo đến năm 2015 sẽ tăng lên đến 7 lít/người/năm.
Tại một Hội thảo liên quan đến Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia tổ chức mới đây, đại diện Bộ Y tế cho biết mỗi năm nước ta đã tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia và 80 triệu lít rượu, dẫn đầu các nước ASEAN và xếp thứ 3 ở châu Á. Đây quả là một loại thứ hạng đáng để mỗi người phải suy nghĩ.
Mỗi năm, người Việt Nam uống khoảng 3 tỷ lít bia (Ảnh minh họa)
Bây giờ thì chuyện cùng nhau “trăm phần trăm” đã trở thành quen thuộc trong nhiều cuộc liên hoan, ăn nhậu, thậm chí còn được xem là thước đo mức độ tình cảm hay bản lĩnh của cánh đàn ông trong các cuộc vui. Vẫn biết, uống rượu, bia từ lâu đã gắn với sinh hoạt đời thường của người Việt Nam. Nhưng nét văn hóa “đối ẩm” truyền thống nay đã ít nhiều bị biến tướng, khi rượu bia bị lạm dụng để người ta thách đố nhau.
Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi Bộ Y tế cho biết mỗi năm, người Việt Nam uống khoảng 3 tỷ lít bia và khoảng 80 triệu lít rượu. Mức tiêu thụ bia, rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây tăng gấp 2 lần. Dự báo, đến năm 2025, sẽ tăng lên đến 7 lít/người/năm. Như vậy, tuy là nước có mức thu nhập đứng thứ 8 khu vực Đông Nam Á nhưng mức tiêu thụ rượu bia lại xếp thứ nhất, vượt xa so với các nước kế tiếp là Thái Lan và Philippines. Tỷ lệ này hiện đứng thứ 3 châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc) và nằm trong tốp 25 của thế giới.
Điều đáng nói là chúng ta đang đối mặt với tình trạng gia tăng tai nạn giao thông, với gần 30 người chết mỗi ngày, mà 70% số vụ tai nạn lại có liên quan đến rượu, bia. Rượu, bia cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 60% số vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam. Nhiều tấn bi kịch gia đình, án mạng chết người đã xảy ra trong cơn say.
Không ai sản xuất rượu, bia để nó trở thành tác nhân gây tai nạn, gây chết người. Uống bia, rượu nếu đúng nơi đúng chỗ, đúng cách cũng là một nét văn hóa của con người. Không ai cấm uống rượu, bia nhưng uống thế nào cho có văn hóa, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và cả thế hệ mai sau là điều mỗi người cần phải cân nhắc.
Những ông bố, bà mẹ khi nâng cốc hãy nhắc nhở mình phải uống ra sao để những đứa trẻ không phải chứng kiến hình ảnh bố mẹ chúng bị ma men chế ngự; những người trẻ uống ra sao để không lãng phí tuổi thanh xuân.
Đã có nhiều quy định liên quan đến chủ trương phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia được ban hành, nhưng việc thực hiện vẫn chưa hiệu quả bao nhiêu. Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo sau nhiều lần chỉnh sửa vẫn chưa được thông qua, bởi liên quan nhiều đến thói quen ăn uống, sinh hoạt của người dân và ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh… Nhất là quy định cấm bán rượu, bia sau 22h vẫn là điều còn gây nhiều tranh luận.
Thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào cuộc sống con người bằng một văn bản hành chính không phải là điều đơn giản. Nhận thức của con người là một quá trình. Sử dụng rượu, bia như thế nào, nhiều hay ít tùy thuộc vào ý chí của mỗi người. Đất nước chưa giàu, thu nhập người dân chưa cao, cần thiết phải nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có việc chống lãng phí từ việc lạm dụng bia, rượu.
Theo Vân Thiêng/VOV