Kinh doanh xăng dầu: Thiếu minh bạch sẽ mất lòng tin

Cập nhật ngày: 18/05/2013 10:15:17

Giá xăng tăng nhanh, giảm chậm, quỹ bình ổn giá (BÔG) sử dụng thiếu minh bạch, thuế suất nhập khẩu xăng dầu thiếu ổn định là những vấn đề "nóng"được dư luận quan tâm trong suốt thời gian qua. Đây là những vấn đề chính được thảo luận tại hội thảo "Sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu" do Hiệp hội Xăng dầu (VINPA) tổ chức ngày 17-5 tại Hà Nội.

"Người ngoài cười nụ, kẻ trong khóc thầm"

Hội thảo sửa đổi Nghị định 84 đã sôi nổi ngay từ những phút đầu tiên bởi lý lẽ của các bên đưa ra có nhiều khác biệt. Hiện cả nước có 300 tổng đại lý và gần 4.500 đại lý kinh doanh xăng dầu cung cấp cho thị trường mặt hàng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế. Vì vậy, mỗi khi có những điều chỉnh liên quan đến giá và thuế xăng dầu đều tạo ra những tác động tới nền kinh tế. Vì vậy, việc minh bạch trong điều hành thị trường kinh doanh xăng dầu luôn là đòi hỏi cấp thiết của dư luận. Song theo phản ánh của những đầu mối xăng dầu, còn tồn tại quá nhiều bất cập sau khi Nghị định 84 ra đời.


Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp cho biết, dư luận luôn đặt ra nhiều nghi vấn với DN đầu mối xung quanh việc điều hành giá và trích lập, sử dụng quỹ BÔG. Song trên thực tế, mặc dù Nghị định 84 đã trao quyền định giá cho DN, nhưng quyền này lại không được thực hiện đầy đủ. Từ khi Nghị định có hiệu lực, DN chỉ được quyền định giá 4 lần theo cơ chế hậu kiểm, 5 lần theo phương thức đăng ký giá và chờ phê duyệt. Từ ngày 9-8-2010 đến nay, giá bán lẻ do liên bộ Tài chính - Công thương quy định. Quỹ BÔG được trích lập và sử dụng hoàn toàn đúng quy định và điều này đã được cơ quan kiểm toán khẳng định. Tuy nhiên do việc lập và sử dụng quỹ chưa được làm rõ, cách sử dụng thiếu minh bạch, không đúng thời điểm đã tạo ra bức xúc cho dư luận và đẩy quỹ thường xuyên trong tình trạng âm. Bất cập liên quan đến biên độ thời gian DN được phép điều chỉnh giá 15 ngày là quá dài, dễ khiến DN lỗ nặng bởi giá thị trường diễn biến cực nhanh. Đã có thời điểm, giá cơ sở xăng dầu cao hơn giá bán lẻ 6.000 đồng/lít. Việc điều hành giá không theo thực tế thị trường đã khiến tình trạng khi giá thế giới tăng thì giá trong nước không tăng, đến khi giá giảm thì giá trong nước lại tăng mạnh.

Ông Lê Minh Quốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hóa dầu Quân đội lại đề cập tới khía cạnh thuế suất nhập khẩu mặt hàng này liên tục điều chỉnh đã tạo ra những áp lực cho DN. Năm 2012, thuế nhập khẩu xăng dầu đã điều chỉnh tới 7 lần. Nhiều DN đầu mối đề xuất, nên giữ ổn định thuế nhập khẩu trong từng năm dựa trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân/năm, sản lượng nhập (trong năm) nhằm đưa ra một khung thuế suất hợp lý giúp DN chủ động hơn trong việc lập kế hoạch kinh doanh.

Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, ý kiến khẳng định thị trường kinh doanh xăng dầu được vận hành và kiểm soát chặt chẽ là chỉ đúng một phần. Thực tế, việc sử dụng và trích lập quỹ BÔG vẫn có nhiều điểm thiếu minh bạch, tình trạng gian lận về đo lường, hay pha aceton vào xăng đã được người tiêu dùng phản ánh và đã có DN bị phạt vì gian lận. Tuy nhiên, những ý kiến do DN nêu cho thấy, hoạt động kinh doanh xăng dầu của chính các DN đang trong tình trạng "Người ngoài cười nụ, kẻ trong khóc thầm".

Minh bạch để phát triển bền vững

Trước những phản ánh của các DN, VINPA đã có những kiến nghị cụ thể nhằm sửa đổi, hoàn thiện Nghị định 84. Một trong những điểm nổi bật được đề xuất là bảo đảm hoạt động kinh doanh vận hành theo đúng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. DN không bị lỗ do cơ chế và người tiêu dùng được tạo điều kiện để tiếp cận thông tin liên quan. Đây là tiền đề quan trọng nhằm giải quyết những bức xúc của dư luận. Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, cần phải xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh thì mới có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng dầu góp ý, những quy định được nêu tại Nghị định 84 thực tế đã được một số quốc gia áp dụng và thực hiện khá thành công. Điều này cho thấy, nghị định đã được soạn thảo công phu và có giá trị, song việc thực thi cần rà soát một cách nghiêm túc. Tại nhiều quốc gia, giá xăng dầu được điều tiết bám sát thị trường nên việc sáng mua một mức giá, chiều lại mua giá khác, hay việc hai đơn vị có giá bán lẻ khác nhau cùng một thời điểm là hoàn toàn bình thường. Một khi các thông tin được công khai, giá điều tiết bám sát thị trường thì người tiêu dùng sẽ không đặt quá nhiều nghi vấn liên quan đến việc điều hành giá như hiện nay.

Một khảo sát thực hiện mới đây cho thấy, đa số người dân đều ủng hộ việc vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, song vẫn mong giá cả được giữ ổn định. Hai quan điểm tưởng chừng đối lập này cũng là mong muốn của các nhà điều hành chính sách hiện nay. Minh bạch hóa thông tin liên quan đến điều hành giá, trích lập và sử dụng quỹ BÔG đúng quy định chính là lời giải nhằm vận hành thị trường xăng dầu theo tín hiệu thị trường, bảo đảm hài hòa quyền lợi của Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Theo Hương Ly (HNM)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn