Ký ức không thể quên của vị tướng dẫn cánh quân thứ 5 tiến vào Sài Gòn
Cập nhật ngày: 22/04/2015 07:54:12
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, vẫn nhớ như in ngày ông trực tiếp dẫn cánh quân thứ 5 - Trung đoàn 88 tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975).
Những ngày tháng không thể nào quên
Người lính hào hứng kể lại kỷ niệm không thể nào quên về những ngày tháng Tư lịch sử của 40 năm trước bằng giọng trầm, ấm, sang sảng của một vị tướng. “Tháng 2/1975, Quân khu điều tôi về Trung đoàn 88 - một trong những trung đoàn cơ động, giữ cương vị Tham mưu phó tác chiến. Tháng 4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi vinh dự là Trưởng ban Tác chiến của cánh quân thứ 5 thuộc lực lượng Bộ binh cùng đồng đội theoQuốc lộ 50, vượt cầu Chữ Y, tiến vào Sài Gòn”, tướng Thổ nhớ lại.
Ông kể rằng, cuộc đời binh nghiệp của ông có nhiều kỷ niệm, tham gia nhiều trận đánh và giành nhiều thắng lợi nhưng sự kiện trọng đại nhất mà ông vinh dự được chứng kiến là vào đúng giây phút lịch sử lúc 11h30 ngày 30/4/1975, khi qua sóng của Đài phát thanh Sài Gòn, Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Trung đoàn 88 nhận lệnh tiến công chiếm căn cứ Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn rồi tiếp tục hành quân về khu căn cứ Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH… Sài Gòn ngập trong biển người và hoa chào đón đoàn quân chiến thắng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi tuyệt vời của chiến tranh nhân dân. Cuộc chiến tranh của dân tộc ta suốt 21 năm (1954-1975) để bảo vệ đất nước của cha ông và mở ra tương lai tự do cho các thế hệ con cháu, là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện. Ông dẫn rằng, trong lịch sử quân sự nói chung có hàng trăm cách thắng và hàng trăm cách thua. Nguyễn Trãi đã nói:“Người dùng binh giỏi phải nắm chắc Thời và Thế. Nắm chắc Thời và Thế thì mất cũng như còn, không sẽ biến thành có”. Nhiều bài học lớn được rút ra, nhưng bài học sâu sắc nhất là tình đoàn kết gắn bó Quân – Dân, sự kết hợp hài hoà giữa hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với các binh đoàn chủ lực. Cũng giống như trên sân bóng đá, người này tạo ra thế để người kia sút bóng vào lưới.
“Chúng tôi sẽ không làm tròn nhiệm vụ của mình, sẽ không có chiến thắngnếu không có sự đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào, đồng chí ở khắp nơi trên đường tiến quân”, tướng Thổ bồi hồi nói.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, vẫn nhớ như in ngày ông trực tiếp dẫn cánh quân thứ 5 tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ông không thể quên những người trước đó dù không hề quen biết như má Tư Bún ở Cái Bè (Tiền Giang), anh Hai Thuần ở Tân Trụ (Long An), rồi các má, các em và bao người khác ở Cần Giuộc, Bình Chánh, Nhà Bè và trong nội đô Sài Gòn…, những người vừa gặp đã như ruột thịt, sẵn sàng hy sinh, động viên tinh thần, tạo mọi điều kiện để đơn vị hành quân thần tốc.
Ở thời bình, trách nhiệm của người lính càng lớn
Gần như suốt cuộc đời tham gia chiến trận, tướng Thổ cũng như rất nhiều đồng đội khác, hơn ai hết hiểu giá trị của hoà bình. Nhưng là người lính thì mọi người đều hiểu rằng: “Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng nếu cần hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của cha ông, chúng ta sẽ không nhân nhượng.Lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc luôn sáng chói bởi những trang sử hào hùng. Thế hệ chúng ta và con cháu phải có trách nhiệm viết tiếp những trang sử đó”.
Ông cho rằng, thời nào thì vai trò của người lính cũng đều quan trọng. Tuy nhiên, yêu cầu với người lính cũng có những thay đổi phù hợp với thời đại. Trong cuộc kháng chiến toàn dân trước đây, chúng ta tổng động viên mọi lực lượng tham gia quân đội. Ngày nay, trong kỷ nguyên khoa học - công nghệ, phát triển thông tin và hội nhập, lực lượng quân đội cũng phải có trình độ, trí tuệ, tinh nhuệ mới chế ngự được kẻ thù; yêu cầu học tập, rèn luyện với người lính cũng đặt ra cao hơn nhiều.
Chiến tranh đã rời xa 40 năm, nhưng còn biết bao nhiêu hậu quả để lại. Hàng triệu người con đất Việt đã ngã xuống, bao nhiêu đồng đội đã hy sinh nhưng gia đình, người thân chưa được chôn cất họ, linh hồn của họ chưa được yên nghỉ. Một số lượng lớn sĩ quan, binh lính bên kia chiến tuyến, cả người nước ngoài và người Việt đã ngã xuống trong khói lửa của chiến tranh, hài cốt nhiều người vẫn còn thất lạc. Rồi những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hoá học, chất độc da cam dioxin do máy bay Mỹ rải xuống Việt Nam… Đó là những vấn đề nhân đạo hậu chiến mà cả hai bên, nhất là những người lính đều phải góp sức giải quyết.
Trong cuộc chiến trước đây, máy bay Mỹ đã rải chất khai quang ở 32 tỉnh, thành, đặc biệt là huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Hơn 86 triệu lít hoá chất, trong đó có dioxin đã được rải xuống nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Theo tính toán của chính các nhà khoa học Mỹ, có khoảng 8,6 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó, khoảng 3 triệu người đi lại khó khăn.
Giờ đây, dù đã nghỉ hưu, tướng Thổ vẫn tham gia hoạt động xã hội trên cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam TPHCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam Việt Nam.
“Tôi muốn góp công sức nhỏ bé của mình vào việc tìm kiếm những giải pháp nhân đạo, phần nào bù đắp những thiệt thòi cho hàng triệu nạn nhân da cam”, tướng Thổ chia sẻ.
Theo Công Quang/Dân trí