Lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ tăng 1,07-2,3%/ năm
Cập nhật ngày: 19/10/2022 14:05:20
Lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ tăng mạnh từ giữa tháng 2 đến tháng 5, sau đó duy trì ổn định, tiếp tục tăng trở lại từ giữa tháng 7. Hiện lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp tăng 1,07-2,3%/ năm so với đầu năm nay.
Vốn huy động của Chính phủ chủ yếu từ nguồn vay trong nước (tới 92%), thông qua phát hành trái phiếu
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023.
Theo đó, tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2022 đạt khoảng 619.492 tỷ đồng, trong đó vay cho cân đối ngân sách Trung ương gần 93% dự toán vay được Quốc hội phê duyệt; rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để vay lại hơn 19.440 tỷ đồng (đạt gần 73% kế hoạch Thủ tướng duyệt).
Vốn huy động của Chính phủ chủ yếu từ nguồn vay trong nước (đến 92%), thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Biến động trên thị trường tiền tệ, ngoại hối đã tác động mạnh tới tâm lý các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp có xu hướng tăng lãi suất dự thầu, giảm khối lượng dự thầu. Hiện tỷ lệ dự/gọi thầu bình quân tới giữa tháng 9 là 1,5 lần, giảm khoảng 1,1 lần so với cùng kỳ 2021. Điều này ảnh hưởng tới kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ 2022.
Trong bối cảnh thu ngân sách Trung ương năm 2022 vượt dự toán, giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn ngân sách chậm, Chính phủ cho biết, phát hành trái phiếu Chính phủ những tháng cuối năm sẽ phù hợp để đáp ứng yêu cầu chi ngân sách.
Về huy động vốn nước ngoài, các khoản vay ưu đãi nước ngoài tính đến 9 tháng đầu năm là gần 185 triệu USD, gồm các khoản ODA từ Hàn Quốc (33,5 triệu USD); Nhật Bản (151 triệu USD). Mức lãi suất vay 0,1%/ năm trong 40 năm, ân hạn 10 năm. Từ nay tới cuối năm Chính phủ sẽ đàm phán, ký 6 hiệp định vay ưu đãi khoảng 188 triệu USD.
Do Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình, nên việc cấp vốn vay ưu đãi kèm điều kiện kém ưu đãi hơn, sát với thị trường lãi suất thả nổi. Dự báo các hiệp định vay ưu đãi tới đây sẽ thu hẹp nhằm giảm rủi ro tỷ giá, lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính.
Cũng theo báo cáo nêu trên, tổng trả nợ của Chính phủ năm 2022 ước khoảng 324.583 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 294.300 tỷ đồng, đạt 98% dự toán; trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước khoảng 30.283 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ các khoản vay trong nước chiếm trên 82% tổng nghĩa vụ trả nợ ngân sách Trung ương. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp Chính phủ năm nay so với thu ngân sách khoảng 18-19%, dưới mức trần 25% mà Quốc hội cho phép.
Trong khi đó, ngân sách địa phương vay khoảng 19.184 tỷ đồng, tổng trả nợ gốc khoảng 3.309 tỷ đồng; trả nợ lãi, phí khoảng 1.818 tỷ đồng. Dự kiến bội chi ngân sách địa phương năm nay khoảng 15.875 tỷ đồng, giảm 9.125 tỷ so với dự toán Quốc hội quyết định.
Về vay nước ngoài của quốc gia so với GDP năm nay khoảng 40-41% GDP, trong mức trần nợ nước ngoài của quốc gia 50% GDP được Quốc hội phê duyệt. Về trả nợ nước ngoài của quốc gia, dự kiến ở mức 6-7% (tính trên cơ sở kim ngạch xuất khẩu 368 tỷ USD), trong giới hạn Quốc hội cho phép (25%).
Đánh giá chung về tình hình nợ công năm 2022, Chính phủ cho biết, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô. Theo đó, nợ công năm nay ước thực hiện 43-44% GDP; nợ Chính phủ 40-41% GDP...
Theo ANH PHƯƠNG (SGGPO)