Lý do các nhà đầu tư nước ngoài muốn đến Đồng Nai
Cập nhật ngày: 16/12/2015 07:17:50
Đồng Nai đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường thu hút đầu tư FDI.
Năm 2015, tình kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, nhưng tỉnh Đồng Nai tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 2,4 tỷ USD, tăng gần gấp 2,5 lần so với kế hoạch năm.
Sau 20 năm đầu tư tại Đồng Nai, Tập đoàn Kenda của Đài Loan chuyên sản xuất sản phẩm ruột xe đạp, xe máy và xe ô tô vừa tăng vốn gấp 5 lần với 160 triệu USD đầu tư thêm cho nhà máy thứ 2 tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom.
Ông Ying Minh Yang, Chủ tịch Tập đoàn Kenda cho rằng, trong quá trình đầu tư tại Đồng Nai, Kenda luôn được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng, nhất là về cơ sở hạ tầng, các thủ tục hành chính... Vì vậy, Tập đoàn Kenda quyết định chọn Đồng Nai mở thêm nhà máy thứ 2.
Mới đây, Công ty TNHH Osaka Fuji Việt Nam của Nhật Bản đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy công nghiệp hỗ trợ. Nhà máy có vốn đầu tư 30 triệu USD, chuyên sản xuất các chi tiết máy, linh kiện phụ tùng, gia công cơ khí...
Ông Yoshiharu Kondo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Osaka Fuji Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã đi khảo sát nhiều nơi, nhưng môi trường đầu tư ở Đồng Nai thuận lợi về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính. Osaka Fuji Việt Nam đã đầu tư nhà máy với công suất gần 1.800 sản phẩm/năm và doanh thu khoảng 10 triệu Yen/tháng. Dự kiến, trong năm tới, Osaka Fuji Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất và nâng công suất hơn nữa.
Tỉnh Đồng Nai hiện có gần 1.600 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn gần 24 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT)
Tập đoàn Kenda và Công ty Osaka Fuji Việt Nam là 2 doanh nghiệp nằm trong số 186 dự án FDI cấp mới và tăng vốn ở Đồng Nai trong năm 2015. Điểm nổi bật là những dự án này đều thuộc các nhóm, ngành nghề ưu tiên thu hút vốn đầu của tỉnh về công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, các dự án thân thiện môi trường…
Để thu hút có chọn lọc những dự án có hàm lượng giá trị gia tăng, hạn chế ô nhiễm môi trường, trước đó, Đồng Nai đã ban hành danh mục những ngành nghề ưu tiên thu hút vốn đầu tư. Đồng thời, tỉnh cũng kiên quyết dừng và từ chối những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu.
Tỉnh Đồng Nai hiện có gần 1.600 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn gần 24 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là các quốc gia, vùng lãnh thổ có số dự án đầu tư vào tỉnh này nhiều nhất.
Để tăng cường thu hút vốn FDI, Đồng Nai đã đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp như đường giao thông, hệ thống viễn thông, điện nước, hệ thống xử lý rác, nước thải... Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thủ tục cấp phép đầu tư, thuế, hải quan…
Hiện nay, thời gian cấp giấy phép đầu tư tại Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai chỉ còn từ 3 -5 ngày, trong khi theo quy trình trước đây là 15 ngày. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Qua đó đã giảm đáng kể thời gian cho các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan và thông quan tại cảng.
Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai cho biết, Cục Hải quan Đồng Nai vừa đưa vào hoạt động Chương trình Hải quan và thông tin doanh nghiệp. Chương trình liên tục cập nhật những quy định mới trong xuất, nhập khẩu và kịp thời giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp.
“Trước đây doanh nghiệp gửi công văn đến hải quan tỉnh nhưng không thể biết hải quan có nhận được hay không và khi nào được trả lời. Còn bây giờ, doanh nghiệp gửi yêu cầu bằng phần mềm, lập tức biết hải quan đã nhận được và biết thông tin cần xử lý ở đâu. Qua đó Hải quan tỉnh cũng kiểm soát được cán bộ, nhân viên của mình xử lý công việc tới đâu, điều này giúp cho việc xử lý công việc nhanh chóng”, ông Bình cho biết.
Để tiếp tục thu hút tốt vốn FDI trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng các đường kết nối vào các khu công nghiệp, vào đường cao tốc và cầu cảng... Đồng thời, tiếp tục tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư ở nước ngoài nhằm đón đầu các dòng vốn đầu tư từ các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch.
Song song với đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các ngành chức năng thường xuyên đối thoại và đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2016, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai tiếp tục nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm ở các khu công nghiệp. Đồng thời quan tâm hơn đến tính chuyên nghiệp về các dịch vụ, xem doanh nghiệp như người nhà của mình, tiếp tục đồng bộ hạ tầng bên ngoài khu công nghiệp, giao thông, liên kết vùng và đào tạo nguồn nhân lực.
“Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của chính mình” là phương châm và chính là động lực để tỉnh Đồng Nai ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài./.
Theo Lệ Hằng/VOV