Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2015
Cập nhật ngày: 02/11/2015 05:26:18
Bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số
Có hiệu lực từ 2/11/2015, Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020.
Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản
Có hiệu lực từ 1/11/2015, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; về các loại hợp đồng mẫu trong kinh doanh bất động sản; về chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn; về chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.
Quy định mới về đăng ký doanh nghiệp
Có hiệu lực từ ngày 1/11/2015, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 quy định về đăng ký doanh nghiệp, thay thế Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 và Nghị định số 5/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013. Nghị định được ban hành để hướng dẫn chi tiết các điều, khoản liên quan đến đăng ký doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014; sửa đổi, bổ sung những hạn chế tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP và Nghị định số 05/2013/NĐ-CP; cụ thể hóa những đổi mới, cải cách trong công tác đăng ký doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong khâu gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường.
Bị phạt tới 150 triệu đồng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề
Có hiệu lực từ ngày 1/11/2015, Nghị định số 79/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/9/2015 quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.
Thay đổi chế độ bồi dưỡng đối với Trợ giúp viên pháp lý
Nghị định số 80/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 5/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý. Những quy định mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2015.
Theo Nghị định số 80/2015/NĐ-CP, khi tham gia tố tụng Trợ giúp viên pháp lý được hưởng chế độ bồi dưỡng vụ việc bằng 40% mức bồi dưỡng áp dụng đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước. Còn khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, Trợ giúp viên pháp lý được hưởng chế độ bồi dưỡng vụ việc bằng 20% mức bồi dưỡng áp dụng đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước.
Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015 quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam có hiệu lực từ 15/11/2015.
Theo quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam muốn được miễn thị thực phải đảm bảo các điều kiện: Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị ít nhất 1 năm; có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam; không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh và tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 21 và Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nhiều chính sách cho lao động nữ
Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ có hiệu lực từ ngày 15/11/2015.
Nghị định trên quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ gồm: Đại diện của lao động nữ; quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.
Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động
Ngày 7/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ 25/11/2015. Trong đó, Nghị định bổ sung một số quy định nhằm xử lý vi phạm về tuyển, quản lý lao động, sử dụng lao động...
Chế độ ăn, nghỉ lao động trong ngày lễ, Tết của phạm nhân
Nghị định 90/2015/NĐ-CP 13/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân có hiệu lực từ ngày 27/11/2015. Theo đó, về chế độ ăn, theo Khoản 1 Điều 42 Luật Thi hành án hình sự, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật, thì định lượng ăn được tăng thêm. Ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật, phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
TS (Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ)