Mũ bảo hiểm có tem chưa chắc đã đạt chuẩn

Cập nhật ngày: 09/05/2013 15:02:11

Có MBH giả trên thị trường, lỗi thuộc về cơ quan chức năng, không phải do người dân nên không thể “đè” dân ra xử phạt nếu đội mũ này.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đánh giá, gần đây tình trạng sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm (MBH) giả, nhập lậu và không bảo đảm chất lượng theo quy định vẫn chưa được chú ý kiểm tra ngăn chặn. Đáng lo ngại là những loại mũ nhựa có kiểu dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm tràn lan trên thị trường, đang được nhiều người sử dụng khi tham gia giao thông, chưa được xử lý nghiêm, đang tiềm ẩn nguy cơ thương vong cao cho người tham gia giao thông khi sử dụng loại mũ bảo hiểm này.

Nhưng bàn giải pháp để giải quyết tình trạng trên và những thắc mắc quanh việc có nên xử phạt người đội MBH giả, nhái, các cơ quan chức năng vẫn “rối canh hẹ”.

Không được “đè” dân ra để phạt

Theo ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG), người dân mua MBH chỉ có thể nhận biết được bằng trực quan, không thể nắm được các tiêu chuẩn. Do đó, việc tuyên truyền cho nhân dân, và cả các cơ quan chức năng cách nhận biết trực quan về MBH đạt chuẩn và mũ không phải MBH là rất quan trọng.


MBH không đạt chuẩn vẫn được sử dụng nhiều (Ảnh: VnEpress.net)

Ông Tạo nêu cách nhận biết: Nếu mũ không có đủ 3 bộ phận là vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động và quai đeo, đó không phải là MBH. MBH kém chất lượng là loại mũ có đủ 3 bộ phận nêu trên, nhưng kết cấu không chắc chắn, thể hiện chủ yếu là lớp đệm mềm, yếu, mỏng và quai đeo không đảm bảo tính vững chắc.

Còn MBH đạt chất lượng phải được chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn QCVN-02:2008/BKHCN, mũ có thể có tem hoặc mất tem trong quá trình sử dụng, đồng thời bao gồm cả các loại MBH mua ở nước ngoài có chất lượng cao. Cách nhận biết loại mũ này là vỏ mũ và quai đeo chắc chắn, lớp đệm hấp thụ xung động dầy và chắc (dầy trên 10 mm, ấn vào cứng).

Với những căn cứ đó, theo ông Tạo, trên thị trường đang lẫn lộn giữa MBH và loại mũ nhựa giống MBH. Song dù cơ quan chức năng (như UBATGTQG) không muốn nhân dân đội loại mũ này khi đi xe máy, nhưng xử lý không dễ. Vì rằng, người sản xuất, kinh doanh nói mũ đó dành cho người đi bộ. Còn người tiêu dùng cũng lại đồng tình xử phạt người đội loại mũ này khi đi xe máy.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng: Tem CR không phải là chứng nhận thật hay giả mà chỉ là bằng chứng chứng tỏ sản phẩm dán tem đó là chấp hành pháp luật, đó là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, nếu không có tem sẽ bị bắt. Không thể lấy tem đó làm căn cứ phân biệt hàng thật, hàng giả.

“Quan điểm của tôi là phải xử phạt nếu người dân đội loại mũ giả, nhái MBH thay cho MBH. Phạt để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, cũng là rèn ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Nhưng muốn phạt được, phải tuyên truyền, hướng dẫn để mọi người có thể phân biệt được MBH. Bây giờ người dân chưa biết phân biệt thì phải tuyên truyền, có thể cần đến 2-3 năm, đến khi biết mới thôi. Khi nào toàn dân đã biết thì mới phạt, không thể phạt khi họ không biết. Cơ quan chức năng càng không thể nói rằng đã có khái niệm về MBH rồi, sau đó cứ thế “đè” nhân dân ra phạt khi họ vi phạm”- ông Tạo nhấn mạnh.

Bởi khi đó, ông Tạo cho rằng, “khi anh ngồi lái ô tô khách thì không thể nói rằng đó là xe con theo quan niệm của riêng anh. Các khái niệm phải được định hình bằng các tiêu chuẩn, không thể thích nói nó là gì thì nó thế”.

Hơn nữa, qua chương trình đổi mũ bảo hiểm có trợ giá vừa qua, ông Tạo nhận thấy thực tế người dân hưởng ứng rất tốt. Có quan điểm cho rằng ý thức người dân chấp hành trật tự ATGT kém là không chính xác, cần sửa. Vì do cơ quan chức năng chưa tìm được giải pháp tuyên truyền thích hợp để “rót mật vào tai” nhân dân khiến họ chấp hành pháp luật về giao thông, chứ không phải người dân không chấp hành.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KHCN), cho hay: Từ sau năm 2007 (thời điểm bắt đầu bắt buộc đội MBH khi đi xe máy trên toàn quốc), bắt đầu xuất hiện mũ có hình dáng giống MBH, nhưng không có tác dụng bảo hiểm. Từ đó, nhiều nhà sản xuất MBH “xịn” của Việt Nam khó khăn, thậm chí “chết” luôn; một số nhà sản xuất còn cố tình sản xuất mũ kém chất lượng để bán kiếm lợi. Thực trạng này, cùng với hàng nhập lậu khiến thị trường MBH trở nên lộn xộn.

Tiến sĩ Cris Tunon, Phó trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, công bố kết quả nghiên cứu của WHO tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam về chất lượng MBH.

Theo đó, 81% mũ đạt yêu cầu kiểm tra về trọng lượng và các bộ phận cần thiết; 89% mũ đạt yêu cầu về kích cỡ. Nhưng chỉ có 18,9% mũ đạt yêu cầu hấp thụ xung động.

Gần 100% mũ đạt yêu cầu tiêu chí các bộ phận cần thiết. Tuy nhiên, với thử hấp thụ xung động: Chỉ 38,3% loại MBH nhiệt đới đạt yêu cầu; 60% MBH nửa đầu đạt yêu cầu; 100% MBH cả đầu đạt yêu cầu; 0% mũ lưỡi trai đạt yêu cầu. Do vậy, tính chung thì có 46% mũ được kiểm tra cho thấy đạt yêu cầu.

Đánh giá về chất lượng MBH và giá, nghiên cứu của WHO chỉ ra: Gần 26% MBH loại dưới 200.000 đồng/chiếc đạt yêu cầu hấp thụ xung động. Mũ càng đắt thì càng nhiều khả năng đạt yêu cầu này.

Vì thế, quan điểm của ông Vinh là phải tập trung xử lý loại mũ có hình dáng giống MBH nhưng không phải MBH. Đó là muốn được buôn bán MBH phải đăng ký với xã, phường. Khi đó phường, xã phải có trách nhiệm quản lý người buôn bán MBH. Thông tư 06 cũng đã giao trách nhiệm cho cấp phường, xã trong xử lý vấn đề này. Tổng cục Đo lường chất lượng hay Cục Quản lý thị trường không thể đủ sức xuống tận xã, phường để xử lý. “Với những người bán rau, ra chợ, vừa ngồi vi phạm đã có người bắt ngay, vậy tại sao không có người bắt bán MBH không đúng luật?”- ông Vinh đặt câu hỏi.

Để xử lý sai phạm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu MBH chính thống, theo ông Vinh, “chỉ cần 3 tháng. Vấn đề là đạo đức của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có tuân thủ pháp luật không hay lại tiếp tục đi theo con đường cung cấp sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng. Cho nên, mấu chốt là lực lượng quản lý thị trường phải dẹp được nạn mũ giả, nhái MBH”- ông Vinh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thẳng thắn: “Nếu quản lý thị trường, công an cứ “bảo kê” thì việc chống hàng giả, hàng nhái, trong đó có MBH, sẽ không bao giờ thành công. Bởi vì đội trưởng QLTT, hay công an biết hết vấn đề, chỉ có làm hay không làm mà thôi. Do vậy, vấn đề là thái độ của cơ quan nhà nước phải kiên quyết với vấn nạn này”.

Ông Bảo phân tích thêm: “Cơ quan chức năng cho phép mở cửa hàng bán MBH, cho đăng ký ngành hàng kinh doanh, rồi cho treo cả biển hiệu. Khi đó, người dân thấy có bán thì vào mua hàng. Cho nên, nếu để bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng trong các cửa hàng đó, trước hết phải kiểm tra lực lượng QLTT tại sao lại để xảy ra như vậy, vì đó là nhiệm vụ của QLTT.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia, cũng cho rằng: “Nếu kiểm soát chặt đầu ra của nhà sản xuất, kinh doanh thì trên thị trường sẽ không có MBH không đạt chuẩn. Để MBH không đạt chuẩn trôi nổi trên thị trường là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, không phải của người dân”./.

Nguồn: Xuân Thân/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn