Mua hàng Tết trên mạng: Cười ra nước mắt!

Cập nhật ngày: 19/01/2015 06:29:24

Chỉ cần một click chuột là bạn có thể mua được món hàng trên mạng. Tuy nhiên, không phải ai cũng mua được món hàng ưng ý. Vì vậy người tiêu dùng phải cẩn thận.

Thông lệ, cuối năm là mùa mua sắm, cuối năm cũng là thời điểm bung hàng của thương mại điện tử. Ấy là nói chữ, chứ thực chất là mua hàng trên mạng. Mặc dù, với doanh thu  chỉ 1,3 tỷ USD dự kiến của năm 2015, một tổng mức khiêm tốn so với khu vực, nhưng đáng tiếc, thương mại điện tử ở Việt Nam lại là một địa hạt tốn nhiều giấy mực của báo chí và truyền thông bởi sự kém tin cậy, đúng hơn là lừa đảo trong mua bán.


Người tiêu dùng phải cận thận khi mua hàng qua mạng (ảnh: KT)

Không dừng ở chuyện hàng chất lượng rao bán hạng nhất, nhưng hàng giao là phế, thứ phẩm, thương mại điện tử Việt Nam còn nổi tiếng bởi “bùng”. Bùng hàng, nghĩa là tiền chuyển đi rồi, không thấy hàng về, liên lạc số điện thoại chủ hàng thì hỡi ôi, đã có tò tí te, như điệu nhạc đám ma, thương tiếc người mua hàng vừa mất khoản tiền không nhỏ. Bùng tiền, nghĩa là có tiếng, có Web hẳn hoi, đăng ký mua hàng, hàng gửi rồi, chờ mãi không thấy tiền, nhắn tin thì người mua hàng khăng khăng không đăng ký mua hàng, không nhận được hàng. Gọi điện thoại thì cũng... tò tí te, số điện thoại này không liên lạc được. Thế nhưng mua bán hàng trên mạng vẫn phát triển, bởi sự tiện lợi. Không có gì sướng hơn trời rét như cắt da, nằm nhà đắp chăn mà dạo chợ, muốn mua gì cứ nhấn điện thoại, hàng về đến cửa. Thượng vàng hạ cám, từ cái túi hàng hiệu 10.000 USD đến một suất ăn 20.000 đồng, mua gì cũng đủ. Cho nên mới có nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Từ các mặt hàng thời trang

Trưa ngày 5/1/2015, trên đường 3-2 (TP Hồ Chí Minh) xảy ra một cuộc cãi vã. Hai cậu thanh niên đến một gia đình trong hẻm giao một gói hàng. Có thể là kém kinh nghiệm, hai cậu chưa để người nhận ký nhận đã cho mở gói hàng. Một cái áo khoác nhẹ may xấu, vải hai vạt chênh màu, hai túi hai bên lệch nhau đến 5 cm... Người mua không nhận. Hai thanh niên mặt tái mét, vừa cương quyết, vừa van xin. Hai cậu chỉ là nhân viên của hãng chuyển phát nhanh, bây giờ hàng đã mở, không nhận biết về ăn nói với cơ quan ra sao. Còn người nhận thì không nhận, bởi chiếc ao mà chị đặt mua với giá 600.000 đồng không thể là chiếc áo này được. Câu chuyện từ anh anh, chị chị đến mày mày, tao tao cũng không giải quyết được. Điện thoại đi, điện thoại lại, cuối cùng, phía bên kia nói trắng: Chị không nhận hàng thì kệ chị, bằng cuộc điện thoại này, chị đã xác nhận hàng đã chuyển đến nơi. Nếu chị không đồng ý, chị cứ kiện! Trời ơi, với 600.000 đồng mà ra tòa e tốn thêm gấp mấy chục lần cũng không đi đến đâu. Người mua hàng điên ruột, trước mặt bàn dân thiên hạ đang xúm vào xem, lấy kéo, cắt tan chiếc áo làm mấy mảnh.  Một thương vụ thương mại điện tử đã có kết thúc không hay ho như vậy đấy. 

Câu chuyện trên không phải hiếm, nếu không nói là phổ biến khi mua bán trên mạng. Khi quảng cáo, tất cả các chủ hàng đều chọn những sản phẩm đẹp nhất, tốt nhất chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng. Nhưng với giá rẻ, hàng không thể đẹp được, vậy là tranh cãi, là kiện cáo, thậm chí là xô xát. Không thiếu cảnh bạn bè quay mặt, không muốn nhìn thấy nhau sau một thương vụ. Rất nhiều người sau khi nhận hàng qua bưu điện và thanh toán xong, mới phát hiện sản phẩm không giống như hình ảnh trên mạng, đồng thời có nhiều lỗi nên liên lạc lại với người bán để đổi hàng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực liên lạc sau đó đều bất thành khi người bán không bắt máy, thậm chí chặn cả tài khoản của khách hàng trên facebook. Không ít người tiêu dùng sau khi thanh toán cho giao dịch, hoặc không nhận được hàng, hoặc nhận hàng kém chất lượng mà không thể đổi trả hay được hoàn tiền. Dư luận năm 2014 cũng ồn ào vụ một hotgil khá nổi tiếng bị tố cáo bán hàng hiệu giả. Cô toàn nhập hàng giả từ Trung Quốc nhưng bán với giá châu Âu mà không ai làm gì được.


Theo Cục Quản lý cạnh tranh, với sự phát triển nhanh chóng,ồ ạt, môi trường thương mại điện tử Việt Nam đang mạnh ai nấy làm, dẫn đến thực trạng có rất nhiều vi phạm xâm hại quyền lợi người tiêu dùng đang diễn ra. Lợi dụng khoảng cách trong các giao dịch giữa người mua và người bán, một trong những gian lận tiêu dùng chủ yếu xảy ra trong thời gian qua là quảng cáo gian dối, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng tố cáo lại những trường hợp khách hàng click chuột vào đặt hàng rồi lại không lấy, hoặc đặt hàng nhưng lại không đặt cọc và cho địa chỉ ma khiến doanh nghiệp nhiều lần khóc dở mếu dở đành phải mang hàng về. 

Lướt qua trên một số diễn đàn phổ biến như muare.com, lamchame.com, nhan nhản những topic tố cáo lừa đảo mua bán hàng qua mạng, đang khiến nhiều người dùng trở nên dè dặt hơn trong giao dịch thương mại điện tử. Cũng chính bởi chỉ cần ngồi một chỗ giao dịch nên khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng không thể “mục sở thị” sản phẩm, mà chỉ có thể nhìn qua ảnh chụp, đọc mô tả. Vì vậy, họ không thể xác thực được những thông tin về sản phẩm cũng như không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi nếu tiến hành giao dịch. Ban bảo vệ người tiêu dùng - Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), đã cảnh báo, giao dịch trên mạng, người tiêu dùng cũng phải tự bảo vệ mình trước, tự nâng cao kiến thức tiêu dùng về thương mại điện tử.

Theo nhiều chuyên gia, đối với những mặt hàng thời trang, theo nguyên tắc phải phù hợp, vừa với người dùng, vì vậy, nếu chỉ xem qua quảng cáo rất khó xác định. Vì vậy, chỉ trả tiền khi đã được mặc thử, xem hàng chi tiết, cả nhãn hiệu, nguyên liệu và chất lượng sản xuất. Lưu ý, hầu hết các sản phẩm hàng hiệu, hàng của các nhãn hàng nổi tiếng đang được quảng cáo trên mạng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Đến các mặt hàng ăn uống

Mặc dù còn đến hơn một tháng nữa mới đến Tết Ất Mùi, nhưng trên các trang điện tử rao vặt, trên các trang mạng xã hội đã nhan nhản các quảng cáo mặt hàng ăn uống. Từ các mặt hàng chế biến sẵn ngoại nhập như đồ hộp, đồ nguội, đến các mặt hàng chế biến truyền thống như bánh chưng, giò chả, nem chua, xôi gấc, gà cúng... Năm ngoái, chị Bích Thu, cán bộ Vietcombank đăng ký trên mạng 10 chiếc bánh chưng truyền thống. Khi nhận hàng, cả nhà ai cũng khen ngon và rẻ. Không ai ngờ, chỉ hai ngày sau, toàn bộ số bánh đã có dấu hiệu thiu. Lại nghe người ta nói luộc bánh chưng bằng pin khiến chị Thu phát hoảng. 


Theo các chuyên gia về y tế, môi trường chính của pin là kiềm. Trong môi trường kiềm, màu xanh của lá chuyển thành màu xanh đậm của chlorophyllin nên làm lá xanh hơn. Cũng trong môi trường kiềm, đạm và tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên bánh mau chín hơn (cũng như khi nấu chè, người ta cho thêm thuốc tiêu NaHCO3 nhằm làm đậu mau mềm). Như vậy, cho pin vào nước luộc chỉ là tạo môi trường kiềm nhằm làm xanh lá, bánh và giò mau chín và nếp trong. Các chất từ pin chủ yếu là kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín... Chì đặc biệt độc hại đối với não và thận, hệ thống sinh sản và hệ thống tim mạch của con người. Nhiễm độc chì sẽ gây hại đến các chức năng của trí óc, thận, gây vô sinh, sẩy thai và tăng huyết áp. Gần đây, trên các trang rao vặt đã xuất hiện quảng cáo các loại bánh chưng tế màu cốm, màu hồng gấc, thậm chí có cả màu đen. Đây là các loại màu mà nếu sử dụng thuốc nhuộm tạo màu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến cơ thể con người.

Không chỉ các loại bánh, các loại thực phẩm chế biến khác như xúc xích, lạp xường, thịt xông khói... mua qua mạng đều có thể không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không đảm bảo đầu tiên là nguyên liệu sản xuất. Mua bán qua mạng, có thể nói khuất mắt trông coi tuyệt đối, ai dám đảm bảo mọi thứ thức ăn đó sẽ không đưa chúng ta vào bệnh viện.

Những hàng hóa nên cẩn trọng 

Theo các chuyên gia về thương mại điện tử, có một số mặt hàng cần cẩn trọng khi giao dịch thương mại điện tử. Thứ nhất, tất cả các mặt hàng thực phẩm ăn ngay như bánh chưng, giò chả, đồ nguội, xôi gà... chỉ giao dịch ( mua hàng) tại các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, có bảo hiểm cho khách hàng. Tuyệt đối không mua các thực phẩm ăn liền qua các trang rao vặt. Các thực phẩm khô và tươi sống như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, thịt các loại... cũng nên giao dịch với các doanh nghiệp mạnh, có địa chỉ rõ ràng và cói uy tín. Các nguyên liệu này tốt nhất chỉ trả tiền khi đã kiểm tra chất lượng và nhận hàng. 

Với các mặt hàng thời trang, khi mua qua mạng cần tuân thủ một nguyên tắc, chỉ trả tiền, khi được thử xem có phù hợp, vừa vặn, xem xét kỹ chất liệu và chất lượng sản phẩm. Đối với các sản phẩm máy móc, hàng điện tử, chỉ nên giao dịch với doanh nghiệp có địa chỉ rõ ràng, có chế độ hậu mãi cẩn thận. Và quan trọng nhất, vẫn là xem hàng, nhận hàng trả tiền. Dù giao dịch trên mạng hay giao dịch trực tiếp với người kinh doanh thì người tiêu dùng cũng phải tự bảo vệ mình trước. Có một lưu ý, hiện nay, Quảng Châu (Trung Quốc) đang trở thành trung tâm sản xuất hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng có trình độ cao và sản lượng cực lớn. Xin chia buồn trước với tất cả các tín đồ hàng hiệu mua qua mạng.

Theo ANTĐ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn