Mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 cao nhất trên 1,9 tỷ đồng
Cập nhật ngày: 09/01/2025 05:07:16
Chiều 8/1, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, tiền lương bình quân năm 2024 ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023 (8,5 triệu đồng/tháng). Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 9,28 triệu đồng/tháng.
Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 8/1 (Ảnh: QUANG PHÚC)
Về tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2025, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, do Tết Dương lịch gần với Tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung cho Tết Nguyên đán. Theo đó, mức thưởng bình quân là 1,46 triệu đồng/người, bằng 79% so với mức thưởng dịp Tết Dương lịch năm 2024 (1,85 triệu đồng/người).
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,95 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 1,13 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,01 triệu đồng/người.
“Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2025 cao nhất là 1,8 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực bán buôn thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh”, Thứ trưởng thông tin.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi (Ảnh: QUANG PHÚC)
Về thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (6,85 triệu đồng/người). Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,24 triệu đồng/người.
“Mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng, thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin ở TP Hồ Chí Minh”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thông tin.
Cùng với đó, các doanh nghiệp còn có những hình thức hỗ trợ thiết thực khác cho người lao động trong dịp Tết như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe)…
Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn chỉ đạo UBND các tỉnh, thành triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nội dung để đảm bảo Tết Nguyên đán cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Nguyên tắc là tất cả đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Về quà Tết đối với người có công với cách mạng, Chủ tịch nước đã ban hành quyết định về mức quà Tết của Chủ tịch nước, trong đó người có công mức 300.000 đồng, và 600.000 đồng cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và thương binh nặng. Địa phương sẽ có quà riêng của cấp xã, cấp tỉnh.
Phần lớn các địa phương đều có kế hoạch chăm lo Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo với mức 300.000 đồng/hộ; TPHCM đang ở mức 1,15 triệu đồng/hộ và nhiều thành phố có mức hỗ trợ cao hơn mức trung bình.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm (Ảnh: QUANG PHÚC)
Cũng tại họp báo, chia sẻ về động lực tăng trưởng trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, ngay từ cuối tháng 12/2024, Thủ tướng đã có Công điện số 140/CĐ-TTg yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, lên các kịch bản tăng trưởng để trong năm 2025, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%.
Trong điều kiện thực hiện thuận lợi, phấn đấu tăng trưởng 2 con số. Trong đó, có đưa ra yêu cầu rất cao cho các địa phương thường gọi là "đầu tàu, động lực tăng trưởng" như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số địa phương khác. Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn con số đạt được của năm 2024 thì sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn.
Về đầu tư, kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295.000 tỷ đồng, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định pháp luật khoảng hơn 300.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với đó, năm 2025, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó có thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Khách du lịch trong nước cố gắng phấn đấu thu hút 120 - 130 triệu lượt và khách du lịch quốc tế khoảng 20 triệu lượt. Đây là một trong những nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.
Động lực tăng trưởng nữa là đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Dự kiến, hết 2025 sẽ hoàn thiện được 3.000km đường cao tốc và 1.000km đường ven biển, trong đó có nhiều dự án đường cao tốc sẽ nâng quy mô từ 2 làn lên 4 làn, và từ 4 làn lên đủ làn theo quy hoạch.
“Cuối cùng là xây dựng trung tâm tài chính ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là "cuộc chơi mới" và cách thức mới để chúng ta thu hút được thêm nguồn lực. Nếu chúng ta làm được việc này thành công thì chắc chắn sẽ có nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm nêu.
Theo PHAN THẢO (SGGP)