Năm 2017, cần cân nhắc giữa tăng trưởng và lạm phát
Cập nhật ngày: 01/02/2017 06:56:38
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2017, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.
Năm 2017 và các năm tiếp theo được dự báo có những biến động mạnh mẽ về chính sách thương mại toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần có những cải cách mang tính căn cơ, đồng bộ hơn, đồng thời gia tăng nội lực để sẵn sàng vượt qua những “cú sốc” tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2017 sẽ là một năm không dễ dàng, ngoài những vấn đề nội tại của nền kinh tế trong nước, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm nay, một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của USD. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.
FED tăng lãi suất sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm nay, một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của USD
Việc các nước xuất khẩu dầu mỏ đạt được sự đồng thuận về cắt giảm sản lượng khai thác kể từ đầu năm nay cũng có thể tạo sức ép lên lạm phát trong trong nước. Bên cạnh đó, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể khiến làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam suy giảm. Điều này có thể gây ra một số hệ luỵ nhất định, đòi hỏi Việt Nam phải nội lực mạnh, để chuẩn bị đối phó với những cú sốc có thể xảy ra với nền kinh tế.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng: “Động lực lớn chính là chúng ta phải giữ được một cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, chúng ta đang làm điều đó nhưng hiệu quả chưa đến ngay bởi mất thời gian trong việc điều chỉnh các văn bản pháp luật và đưa vào trong đời sống.
Thế nhưng nếu chúng ta kiên định làm điều này sẽ tạo được môi trường kinh doanh tốt hơn và các doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy họ kinh doanh thuận lợi hơn và chi phí giảm xuống để họ có cơ hội về lợi nhuận nhiều hơn đó sẽ là động lực. Động lực đó không phải chỉ cho năm 2017 mà còn là động lực lâu dài của Việt Nam trong tương lai cũng như trong quá trình hội nhập”.
Năm 2017, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,7%. Tuy nhiên, PGS TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, nên chú ý tới chất lượng tăng trưởng thay vì chỉ chú trọng vào con số và đưa ra các biện pháp kích thích ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Đặc biệt, cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô.
Ông Cường nói: “Ở Việt Nam, thông thường tăng trưởng cao lại đi kèm với lạm phát cao. Năm 2017, ngoài sức ép lạm phát do bản thân tăng trưởng trong nước có thể tạo ra còn một vấn đề nữa là xu hướng thay đổi về giá cả quốc tế, tức là hàng hóa, dầu có thể sẽ tăng cao trở lại. Vì vậy, Chính phủ nên cân nhắc việc đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng của năm 2017, bởi năm 2017 khả năng lạm phát sẽ rất cao và dự báo sẽ cao hơn năm 2016”.
Cẩm Tú/VOV