Nguy cơ thiên tai “đổ bộ” vào miền Nam
Cập nhật ngày: 05/12/2016 16:13:15
Các chuyên gia khí tượng - thủy văn cảnh báo về việc Nam bộ sẽ gánh chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vốn thường gặp ở miền Trung như hạn hán, bão lũ… Biến đổi khí hậu (BĐKH) với những diễn biến thời tiết bất thường, những hiện tượng thời tiết cực đoan không còn là “tiên đoán” mà đã rất rõ hình hài, nhất là tại TPHCM và ĐBSCL.
Hiểm họa đã lộ diện
Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, TPHCM và ĐBSCL vốn được mệnh danh là xứ sông nước từ bao đời nay. Chính nguồn nước dồi dào đã nuôi sống hàng chục triệu dân và đóng góp quan trọng vào việc phát triển của một vùng kinh tế năng động phía Nam và tưởng chừng đây là nguồn tài nguyên không bao giờ thiếu. Thế nhưng…
Cuối năm 2015 đến giữa năm 2016, TPHCM và ĐBSCL lâm vào tình trạng thiếu nước và hạn hán nghiêm trọng do tác động của hiện tượng El Nino. Tại TPHCM, các hồ chứa đầu nguồn chỉ tích được 70%-80% dung tích vì trời không mưa. Hạ nguồn thì xâm nhập mặn vào sâu trong lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn, đe dọa các nhà máy nước: Nhà máy nước Tân Hiệp trên sông Sài Gòn và Nhà máy nước Bình An trên sông Đồng Nai buộc phải ngưng hoạt động nhiều lần vì độ mặn quá cao. Nước về các khu vực vùng ven khan hiếm khiến người dân phải mua nước với giá cao ngất ngưởng. 13 tỉnh ĐBSCL phải công bố tình trạng thiên tai do hạn hán. 160.000ha lúa bị thiệt hại, gần 600.000 người thiếu nước, tổng thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng. Các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, đây là cơn đại hạn của vùng sông nước phía Nam trong vòng 100 năm trở lại đây.
Du lịch tại huyện Cần Giờ đã có chuyển biến thích ứng biến đổi khí hậu Ảnh: THÀNH TRÍ
Bão có xu hướng dịch chuyển
Cảnh báo bão miền Trung “đổ bộ” miền Nam được đưa ra trong nghiên cứu về hiện trạng và diễn biến tác động của BĐKH đến TPHCM do Phân viện Khoa học khí tượng - thủy văn và BĐKH thực hiện. Xu thế bão có xu hướng dịch chuyển từ Nam Trung bộ về phía Nam. Điều này cho thấy, sắp tới khu vực phía Nam sẽ gánh chịu những cơn bão mạnh và tình hình thời tiết khắc nghiệt như miền Trung. Nghiên cứu này khá trùng khớp với các nghiên cứu trong kịch bản BĐKH cập nhật mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa hoàn tất mới đây. Kịch bản cho hay, trong số các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông thì áp thấp nhiệt đới có xu hướng tăng, bão trung bình có xu hướng giảm nhưng bão mạnh tăng nhẹ, bão rất mạnh có xu hướng tăng. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía Nam. Cũng theo kịch bản này, hiện tượng nắng nóng có dấu hiệu gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là ở Trung bộ và Nam bộ. Hạn hán cũng có xu thế gia tăng rõ rệt trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21 ở khu vực đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ.
Phân viện Khoa học khí tượng - thủy văn và BĐKH phân tích, những yếu tố thời tiết có khả năng gây hư hại các công trình xây dựng (nhà cấp 4, nhà mái tôn…). TPHCM cũng có nhiều nhà cao tầng, vì vậy, cần phải chú trọng thiết kế công trình chịu được gió bão. Nhiệt độ trung bình gia tăng cũng tác động đến chất lượng và làm biến dạng các công trình và cơ sở hạ tầng vì nhiệt độ cao sẽ làm giảm tuổi thọ vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, khi nhiệt độ không khí lên đến 39-40oC thì nhiệt độ tại bề mặt lớp bê tông nhựa có thể đạt đến 60-70oC, từ đó tác động đến kết cấu công trình như gây vênh cong, lồi lõm, biến dạng…
Ngoài ra, du lịch, văn hóa cũng là ngành chịu nhiều tác động, bởi khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, lốc xoáy… gia tăng thì việc tổ chức các chương trình du lịch, vui chơi giải trí, quảng bá văn hóa cũng bị hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Không gian du lịch tại TPHCM tập trung phân bố ở ven biển Cần Giờ và Khu du lịch bán đảo Thanh Đa nhưng đây cũng là hai khu vực chịu nhiều tác động của BĐKH, nước biển dâng. Vả lại, thời tiết xấu cũng gây cản trở, thậm chí phải hủy bỏ các hoạt động du lịch, từ đó làm giảm lượng du khách đến tham quan. Vì thế, khuyến cáo đa dạng hóa các hoạt động du lịch để tạo tính linh hoạt khi xảy ra hiện tượng thay đổi khí hậu đột ngột, đồng thời tuyên truyền để khuyến khích khách du lịch lựa chọn và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường thay vì du lịch tập trung vào tiêu hao năng lượng và tiêu dùng sản phẩm. Về hạ tầng, nguồn năng lượng tái tạo sẽ phù hợp hơn với ngành du lịch, vì thế, thành phố nên vận động các bảo tàng, nhà hàng, khách sạn… đầu tư các thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
KHÁNH LÊ/SGGPO