Nhà báo với mạng xã hội
Cập nhật ngày: 24/05/2016 09:23:34
Ngày 23-5, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý xây dựng, thực hiện Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Trước đó, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng của hội trong năm 2016 là sửa đổi, hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam đã được Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2005 - 2010) ban hành gồm 9 điều. Sau 11 năm thực hiện, nhiều nội dung trong quy định này đã không còn phù hợp với thực tế hoạt động báo chí và Luật Báo chí 2016 nói riêng, cũng như pháp luật hiện hành nói chung. Vì vậy cần phải có sự điều chỉnh và bổ sung quy định này. Đặc biệt là khi báo chí điện tử và mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ và lấn át báo chí truyền thống như hiện nay.
Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số và mạng xã hội, trên thế giới cũng như ở Việt Nam những năm qua, bất cứ ai cũng có thể lập cho mình một trang web, một tài khoản mạng xã hội và có thể viết lên đó mọi điều họ thấy, họ nghĩ. Sai hay đúng chưa cần biết, miễn là có đông người đọc, chia sẻ. Thậm chí nhiều “nhà báo công dân” không chỉ thông tin đơn thuần mà còn viết các điều tra, phân tích, bình luận. Điều đó dẫn đến một tình trạng rất nhiều người dùng mạng xã hội, xem các nguồn tin đó như thông tin báo chí chính thức.
Một vấn đề dễ thấy trên các mạng xã hội, khi một vụ việc xảy ra, rất nhiều người vội phán xét, kết luận ngay lập tức mà không quan tâm đến bản chất, sự thật vấn đề hay là kết luận của các cơ quan chức năng. Dư luận xã hội trong nhiều tình huống bị dẫn dắt bởi những thông tin kiểu vậy, từ những “nhà báo công dân” đủ mọi thành phần.
Với những nhà báo thực sự, quá trình làm việc, để đăng tải một thông tin đến bạn đọc, họ phải có trách nhiệm với tờ báo nơi họ làm việc và quá trình tác nghiệp phải tuân thủ theo Luật Báo chí cũng như quy định đạo đức nghề nghiệp mà bản thân mỗi nhà báo là thành viên trong đó. Nói cách khác, thông tin của nhà báo chân chính là thông tin có kiểm chứng, có trách nhiệm với cộng đồng. Nhà báo thực sự phải tuân thủ Luật Báo chí hay quy định đạo đức nghề nghiệp. Thông tin của mỗi nhà báo, trên mỗi tờ báo sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội vì tính chính xác, độ tin cậy, nên hay không nên đăng tải.
Thống kê đầu năm 2016 cho biết, Việt Nam hiện có gần 40 triệu người tham gia mạng Internet, trong đó có 35 triệu người dùng Facebook, đồng nghĩa với việc hơn 1/3 dân số tại Việt Nam sở hữu tài khoản Facebook. Thế nhưng, hiện nay số người được cấp thẻ nhà báo ở Việt Nam là hơn 18.000 với gần 1.000 cơ quan báo chí. Điều đó nói lên rằng, báo chí và hoạt động của các nhà báo không đồng nghĩa hay giống như thông tin trên mạng xã hội của những người xem mình là “nhà báo công dân”.
Một vấn đề gần đây được rất nhiều người quan tâm, đó là nhà báo chịu trách nhiệm như thế nào đối với phát ngôn của mình trên mạng xã hội, khi Luật Báo chí 2016 không đề cập đến vấn đề này. Nghề báo là một trong những nghề đặc thù, quyền và nghĩa vụ của nhà báo đã được quy định trong luật. Việc điều chỉnh hành vi đạo đức của nhà báo bằng những khuôn mẫu, tiêu chuẩn đạo đức không mang tính cưỡng chế mà hoàn toàn tự nguyện. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thời gian qua cộng đồng báo chí quốc tế cũng đã, đang xây dựng, bổ sung một mục riêng về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong việc sử dụng mạng xã hội, trong đó, đề cao trách nhiệm của nhà báo khi tham gia, phát ngôn trên các mạng xã hội cũng giống như trách nhiệm của nhà báo trong đời sống xã hội thông thường. Đây chính là điều mà nhiều cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay cũng đang xây dựng, hướng đến.
Theo nhiều chuyên gia, nhà báo lão thành, trong quy định đạo đức người làm báo Việt Nam nên xây dựng những nguyên tắc cơ bản và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp liên quan đến việc phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội. Trên cơ sở đó, từng cơ quan báo chí bổ sung vào quy chế cụ thể đối với phóng viên tùy theo đặc thù của cơ quan mình, phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu quản lý, điều hành của mỗi cơ quan báo chí. Nói cách khác, ngoài những quy định chung, sẽ có những “nội quy cơ quan” mà bản thân mỗi nhà báo sẽ phải tuân thủ khi làm việc ở cơ quan đó. Đây cũng là một điểm khác biệt giữa nhà báo chuyên nghiệp và “nhà báo công dân”.
TRẦN LƯU/SGGPO