Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn:

Những trang blog và Facebook lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước đều là mạo danh

Cập nhật ngày: 17/03/2015 09:06:33

Thời gian qua, tình trạng mạo danh các nhà lãnh đạo, chính khách Việt Nam trên nhiều mạng xã hội, trang blog, những diễn đàn diễn ra khá phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân cũng như tạo ra dư luận xấu trong xã hội. Ngày 16-3, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn (ảnh) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.


 

° Phóng viên: Hiện nay, tình trạng mạo danh chính khách trên mạng xã hội đang diễn ra phổ biến, xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về thực trạng này?

° Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Hầu hết các mạng xã hội hiện nay chưa có cơ chế cho phép xác thực danh tính của người sử dụng. Người sử dụng mạng xã hội có thể tự lựa chọn cho mình tên tài khoản để sử dụng. Vì vậy, việc mạo danh có thể thực hiện một cách dễ dàng. Thực tế hiện nay trên mạng xã hội, có không ít trang blog và Facebook cá nhân mạo danh một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi xin khẳng định, các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước không có blog và Facebook cá nhân. Những trang blog và Facebook mang tên các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước đều là mạo danh. Rất nhiều thông tin đưa lên không phải là thông tin chính thống của Nhà nước hay của các đồng chí lãnh đạo. Do vậy, việc mạo danh của một cá nhân nào đó phát ngôn trên mạng xã hội không liên quan gì đến phát ngôn của Nhà nước. Bất kỳ phát ngôn của một cá nhân nào đó thì cá nhân đó tự chịu trách nhiệm trước luật pháp Việt Nam.

° Vậy Bộ TT-TT cũng như Thứ trưởng có khuyến cáo gì với người dùng mạng xã hội?

° Như trên đã đề cập, mạng xã hội đã tồn tại và rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây được xem là một phương tiện để kết nối bạn bè và chia sẻ thông tin nên tự cá nhân mỗi người phải chắt lọc thông tin cho mình. Một trong những mục tiêu của mạng xã hội là nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và bày tỏ mối quan tâm chung trong cộng đồng, thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội. Bản thân mỗi người phải tìm đến những nguồn thông tin chính thống hoặc tìm hiểu kỹ hơn về mức độ chính xác thông tin mà mình tiếp nhận. Vì thế, tất cả những người dùng mạng xã hội đều phải lưu ý đến vấn đề bí mật đời tư và xâm phạm đến bí mật đời tư của người khác. Mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra. Trên mạng xã hội, việc mạo danh các cá nhân, tổ chức, nhất là mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để phục vụ các ý đồ xấu là hết sức nguy hiểm. Vì vậy, người sử dụng mạng xã hội cũng phải đề cao cảnh giác như cảnh giác đối với những kẻ mạo danh trong xã hội thực chúng ta đang sống.

° Làm thế nào để người dân phân biệt được đâu là trang mạng xã hội giả, đâu là trang chính thức của các chính khách, thưa Thứ trưởng?

° Khái niệm “Social Network” còn gọi là mạng xã hội có tính chất đặc thù là “mạng xã hội ảo”, vì vậy, không nên đặt vấn đề thật giả mà nên đặt vấn đề từ góc độ đúng hoặc trái pháp luật. Để phân biệt đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin không chính thống, đâu là trang giả mạo, theo tôi, cách đơn giản nhất là người sử dụng chỉ nên coi nguồn tin được phát ngôn từ người phát ngôn được chỉ định của cơ quan, tổ chức, hoặc thông tin được đưa lên trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan, tổ chức đó, là thông tin chính thống. Còn lại, chỉ nên coi mạng xã hội là một trong những cách mà xã hội lan truyền, chia sẻ thông tin, thông tin đó chỉ có tính chất tham khảo và người lan truyền thông tin sai sự thực sẽ bị xử lý theo pháp luật.

° Mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã công khai trang mạng xã hội của mình và nhận được nhiều sự ủng hộ. Với những trường hợp như vậy, Bộ TT- TT có biện pháp kỹ thuật nào để bảo vệ các trang mạng xã hội của chính khách hay không?

° Việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công khai trang mạng xã hội của mình có ý nghĩa cầu thị, nhưng như tôi đã nói ở trên, tất cả các phát ngôn chính thức đều phải thực hiện theo Quy chế phát ngôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Với tư cách là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, chúng tôi tôn trọng tất cả mọi ý kiến cá nhân.

° Hiện nay nhiều chính khách nhà nước sử dụng mạng xã hội là kênh giao tiếp với người dân. Theo Thứ trưởng, các chính khách nhà nước nên sử dụng mạng xã hội như thế nào?

° Việc đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội sẽ giúp thông tin này được phổ biến nhanh hơn tới người sử dụng. Các cơ quan nhà nước nên sử dụng và tận dụng thế mạnh này của các mạng xã hội. Các đồng chí lãnh đạo có thể sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân gắn liền với trang thông tin điện tử của đơn vị chủ quản để đăng tải thông tin chính thống và trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân. Đồng thời, vẫn có thể xem xét, tận dụng ưu thế của các mạng xã hội trong nước và nước ngoài bằng việc đưa các liên kết tới trang chính thống trên mạng xã hội này để đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội, nhưng chỉ xem đó như là một công cụ cụ thể để truyền thông, tránh việc phụ thuộc vào một mạng xã hội cụ thể nào đó. Còn từ góc độ cá nhân của các đồng chí lãnh đạo thì việc sử dụng mạng xã hội cũng như một phương tiện để giao tiếp cá nhân, giao tiếp với bạn bè, chia sẻ cảm xúc của mình mà thôi.

° Thứ trưởng có dùng mạng xã hội không? Theo Thứ trưởng, việc dùng mạng xã hội mang lại những lợi ích gì?

° Đứng về phương diện cá nhân tôi rất mê mạng xã hội. Tôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội và cũng có tài khoản Facebook riêng của mình. Đó là kênh giao tiếp với bạn bè của tôi. Việc sử dụng mạng xã hội giúp cho tôi giữ được mối quan hệ với bạn bè và người thân của mình.

° Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo TRẦN LƯU/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn