Nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện

Cập nhật ngày: 11/07/2015 07:57:43

Đề xuất của Bưu điện TP HCM nhằm cung cấp thêm dịch vụ tiện ích (có thu phí) cho người dân.

Theo đề xuất của Bưu điện TP HCM, đơn vị cung cấp dịch vụ có thể giúp người vi phạm giao thông ngồi ở nhà nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp phạt và nhận lại giấy tờ bị tạm giữ.

Nỗi khổ của người trong cuộc

Hơn 10h sáng 9/7, trước trụ sở Công an Q.Tân Bình (TP HCM), anh Phan Văn Sỹ (25 tuổi, quê Ninh Thuận) cầm trên tay giấy phép lái xe vừa lấy từ Công an Q.Tân Bình ra, vội vàng tới Công an Q.7 cho kịp giờ nhận quyết định xử phạt, đóng tiền, lấy xe máy đang bị tạm giữ.

Anh Sỹ kể: tháng 3/2014, anh vi phạm giao thông tại Q.Tân Bình, bị tạm giữ bằng lái xe. Do công việc thường xuyên phải di chuyển từ Nam ra Bắc và ngược lại, anh không có thời gian để tới Công an Q.Tân Bình nhận quyết định xử phạt, đóng tiền và lấy bằng lái xe. Mới đây, anh chạy xe tại Q.7, bị tạm giữ xe vì không có bằng lái nên mới đến Công an Q.Tân Bình hoàn tất thủ tục, nhận lại giấy phép lái xe.


Theo quy trình hiện nay, người vi phạm luật giao thông phải mất thời gian đi lại để đóng phạt, nhận lại giấy tờ

"Tôi vi phạm phải chấp hành việc bị lập biên bản, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, do tôi thường xuyên bận công việc nên khó chấp hành việc nộp phạt đúng thời hạn. Ủy quyền cho người khác cũng rườm rà, phải có người thân, người quen ở TP, cả hai phải tới phòng công chứng để chứng thực hợp đồng ủy quyền” - anh Sỹ nói.

Anh Nguyễn Thành Lợi (26 tuổi, quê Nam Định) là nhân viên một công ty có trụ sở ở TP HCM, nhưng hiện tại anh đang làm việc tại một công trình xây dựng ở Nghệ An. Đầu tháng 7 này, anh Lợi trở lại TP HCM để giải quyết công việc, trên đường đi bị cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản vi phạm giao thông nên anh phải ở lại TP để chờ nhận quyết định xử phạt, nộp phạt rồi mới đi Nghệ An làm việc.

"Tôi ở lại TP chờ nộp phạt phải bỏ công ăn việc làm, nhưng nếu không ở lại chờ mà ra Nghệ An rồi trở vào cũng mất thời gian và tốn tiền đi lại nhiều hơn” - anh Lợi nói.

Dịch vụ đóng tiền phạt thay

Theo đề xuất của Bưu điện TP, khi người vi phạm giao thông có nhu cầu cung cấp dịch vụ nói trên, dựa vào nội dung ghi trên biên bản vi phạm hành chính, Bưu điện TP sẽ liên hệ với CSGT để tìm thông tin liên quan đến các khâu xử lý vi phạm sau đó. Khi quyết định xử phạt ban hành, bưu điện sẽ nộp biên bản vi phạm hành chính để nhận bản chính quyết định xử phạt vi phạm. Đồng thời, sẽ liên hệ với Kho bạc Nhà nước (ngân hàng) được chỉ định để đóng tiền phạt.

Sau khi nộp phạt xong, bưu điện sẽ nộp biên lai đóng phạt cho CSGT để nhận lại các giấy tờ bị tạm giữ của người vi phạm. Khi ký nhận đầy đủ các loại giấy tờ bị tạm giữ của người vi phạm cùng với bản chính quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên lai đóng phạt, bưu điện sẽ chuyển phát toàn bộ đến tận nhà người dân. Dịch vụ này áp dụng đối với tất cả người vi phạm giao thông tại TP HCM.

Nội dung trên đã được Bưu điện TP đề xuất với cơ quan thẩm quyền hơn một năm qua, nhưng do các đơn vị liên quan vẫn còn ý kiến khác nhau nên đến nay chưa triển khai trên thực tế.

Ý kiến về việc này, Công an TP HCM có văn bản (do ông Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP, ký) cho rằng, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải trực tiếp nộp tiền phạt cho người ra quyết định xử phạt (trường hợp xử phạt không lập biên bản) hoặc nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại (trường hợp xử phạt có lập biên bản). 

Trong khi đó, Bưu điện TP không phải là người đại diện hợp pháp cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt nên đề xuất nói trên của Bưu điện TP không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Khác với ý kiến của Công an TP, Sở Tư pháp TP có văn bản (do bà Lê Thị Bình Minh, Phó giám đốc sở, ký) cho rằng khi thực hiện dịch vụ đóng tiền phạt thay cho người bị xử phạt, Bưu điện TP là đại diện theo ủy quyền của người bị xử phạt bằng hình thức người bị xử phạt điền vào phiếu yêu cầu cung cấp dịch vụ.

Phiếu này mang những nội dung ủy quyền cho Bưu điện TP thay mặt người bị xử phạt thực hiện các công việc như: nhận quyết định xử phạt, đóng tiền phạt và nhận lại các giấy tờ bị tạm giữ. 

Sở Tư pháp TP còn cho rằng pháp luật dân sự quy định ngoài những hình thức ủy quyền phải lập thành văn bản, các bên có quyền thỏa thuận về hình thức ủy quyền...

Theo Tuổi Trẻ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn