Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đảm bảo nguồn cát, đá để các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long về đích đúng hạn
Cập nhật ngày: 21/11/2024 05:03:49
Chiều 20/11, tại Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc
Hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 4 dự án giao thông đường bộ cao tốc trọng điểm. Đến thời điểm hiện tại, 3 trong số 4 dự án đang tổ chức thi công, công tác giải phóng mặt bằng đạt từ 99 đến 100%. Riêng Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dự kiến sẽ khởi công đầu năm 2025. Theo kế hoạch, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Đồng Tháp) sẽ hoàn thành trong năm 2025; Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào sử dụng năm 2027; Dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) hoàn thành năm 2027.
|
Điểm cuối cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết: Đến nay, việc cung ứng vật liệu cho các dự án vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với vật liệu cát đắp nền đường mặc dù trữ lượng cơ bản đáp ứng (khoảng 54,45 triệu m3), nhưng công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công; một số mỏ tại tỉnh Đồng Tháp đang phải dừng khai thác; dự án nạo vét sông Vàm Nao (An Giang) cung ứng cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã dừng khai thác do hết công suất; một số mỏ hết trữ lượng khai thác, vượt quá độ sâu khai thác hoặc có nguy cơ sạt lở bờ sông. Ngoài ra, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long việc triển khai thủ tục cấp phép còn chậm chưa đáp ứng được tiến độ thi công; nhiều mỏ khi khảo sát, đánh giá cho thấy chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ…
Về vật liệu đá, tổng nhu cầu trữ lượng cho các dự án là 5,19 triệu m3. Tuy nhiên, do mỏ Antraco (An Giang) đã hết hạn buộc phải ngừng khai thác, trong khi đó thủ tục cấp phép tiếp theo mất nhiều thời gian (khoảng 12 tháng) nên không kịp cung ứng vật liệu cho dự án; việc sử dụng đá từ các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có cự ly vận chuyển xa kéo theo giá thành cao; tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có nguồn cấp phối đá dăm đáp ứng được trữ lượng, công suất nhưng do thời điểm cuối năm phải cung cấp đồng thời cho nhiều dự án nên khả năng cung cấp bị hạn chế.
Chia sẻ khó khăn trong quá trình khai thác, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Một số mỏ cát sông trên địa bàn tỉnh khi đưa vào khai thác cho thấy chất lượng không đảm bảo, một số mỏ có tỷ lệ bùn hơn 60%. Ngoài ra, hoạt động khai thác cát sông hiện gặp phản ứng quyết liệt từ người dân, có trường hợp dẫn đến gây thương tích, phải khởi tố.
Liên quan đến cát biển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao kết quả đánh giá khu B1 cho tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có ranh giới chính thức trên biển giữa tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh, nên việc giao mỏ cát biển tại Tiểu khu B1.3 cho nhà thầu thi công còn gặp khó khăn. Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành làm việc với 2 tỉnh để thống nhất xử lý việc khai thác cát biển và giao khu vực biển tại Tiểu khu B1.3.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đối với vật liệu cát, các địa phương phải xác định rõ công suất khai thác thực tế đảm bảo cung ứng cho dự án, không thể nói trữ lượng đã thừa nhưng thực tế thì công suất khai thác cát không đảm bảo tiến độ thi công. Đối với cát biển khi đưa vào sử dụng tại dự án phải đảm bảo độ mặn bằng hoặc nhỏ hơn độ mặn tại môi trường xung quanh, nếu độ mặn lớn hơn thì phải xử lý.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp là nhà thầu và doanh nghiệp là đơn vị khai thác vật liệu, đồng thời cũng không thể để xảy ra đội vốn dự án. Bên cạnh đó, công tác quan trắc, giám sát môi trường phải xuất phát từ các công cụ, mô hình tính toán khoa học, kỹ thuật để bảo đảm an toàn môi trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các dự án cao tốc đang triển khai tại ĐBSCL có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, là động lực phát triển rất lớn cho vùng ĐBSCL và đất nước. Do đó, với trách nhiệm của mình các địa phương phải thật sự nỗ lực, quyết tâm đưa các dự án cao tốc về đích đúng với kế hoạch đã đề ra.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác thi công tại cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra công tác thi công tại dự án cao tốc trục dọc Cần Thơ - Cà Mau (tại vị trí giao cắt nằm trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) và cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (huyện Mỹ Xuyên và huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quà cho các kỹ sư, công nhân
Tại các điểm kiểm tra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thăm hỏi, động viên và trao quà cho đội ngũ kỹ sư, công nhân tại công trường; đồng thời, chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua phải đảm bảo nguồn vật liệu để đảm bảo tiến độ thi công các dự án theo kế hoạch đề ra.
Theo TUẤN QUANG (SGGP)