Quyết liệt kéo giảm giá cước vận tải
Cập nhật ngày: 07/09/2015 07:49:31
Giá xăng liên tục giảm trong thời gian qua nhưng giá cước vận tải công cộng lại không giảm tương ứng đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Sự chây ỳ của các doanh nghiệp vận tải phải chăng xuất phát từ sự thiếu quyết liệt trong kiểm soát giá cước của các cơ quan chức năng? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (ảnh) xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Với tư cách là cơ quan quản lý các doanh nghiệp vận tải, Thứ trưởng nhận định như thế nào về tương quan giữa giá xăng dầu và giá cước vận tải trong thời gian gần đây?
* Thứ trưởng NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG: Với 4 lần tăng và 7 lần giảm kể từ đầu năm đến nay, giá xăng hiện tại rẻ hơn 548 đồng/lít và dầu diesel rẻ hơn 3.681 đồng/lít so với mức giá đầu năm. Do giá nhiên liệu chiếm 30% - 40% trong giá thành cước vận tải ô tô nên nếu doanh nghiệp vận tải nào đã tăng giá cước từ đầu năm mà đến nay chưa giảm hoặc giảm chưa tương xứng với mức giảm giá nhiên liệu là không thể chấp nhận được. Theo tính toán của các hiệp hội vận tải, mức giảm giá cước có thể 5% - 10%, tuy nhiên vì lợi nhuận mà các doanh nghiệp vận tải vẫn chần chừ trong việc giảm giá cước. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ GTVT, là sẽ kiểm soát chặt giá cước vận tải để đảm bảo đưa giá cước về mức phù hợp. Hiện quy trình, thủ tục để thay đổi giá cước vận tải cũng đã được rút gọn theo hướng thuận lợi, nhanh chóng hơn cho doanh nghiệp.
* Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng còn lơi lỏng trong vấn đề kiểm soát cước phí vận tải dẫn đến các doanh nghiệp chây ỳ, Thứ trưởng có đồng ý với ý kiến này?
* Thời gian qua Bộ Tài chính, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát giá cước vận tải. Theo đó, liên bộ đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện kê khai và niêm yết giá cước theo quy định, đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu. Bên cạnh đó, liên bộ cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra thực tế kê khai, niêm yết giá cước vận tải ở các địa phương, nếu phát hiện doanh nghiệp nào thực hiện không đúng sẽ xử lý theo quy định. Như vậy, việc kiểm soát giá cước vận tải công cộng đang được kiểm soát quyết liệt hơn.
* Nhưng thực tế, hầu như vẫn không có doanh nghiệp nào bị xử lý vì vi phạm về giá cước vận tải?
* Thực tế giá cước taxi nhiều hãng đã giảm. Giá cước vận tải hành khách đường dài lâu nay vẫn bắt buộc phải niêm yết giá vé. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là xử lý các doanh nghiệp vận tải vi phạm phải thông qua các hiệp hội vận tải. Các hiệp hội vận tải đã thống nhất với nhau và được quyền đưa ra khung giá phù hợp. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ phải kiểm tra từng doanh nghiệp, đối chiếu với khung giá của hiệp hội, rà soát toàn bộ các yếu tố đầu vào, trong đó có giá nhiên liệu, nếu phát hiện doanh nghiệp nào có giá cước ngoài khung hoặc không điều chỉnh sau khi có biến động giá đầu vào thì giao trách nhiệm cho sở GTVT xử lý theo quy định. Việc xác định vi phạm của doanh nghiệp cũng không dễ vì các cơ quan chức năng phải thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động trong một thời gian nhất định, cả vấn đề đóng thuế của doanh nghiệp, sau đó mới kết luận vi phạm và đưa ra hình thức xử lý.
* Rõ ràng mong chờ doanh nghiệp tự giác là rất khó, theo ông, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ như thế nào để buộc doanh nghiệp phải giảm giá?
* Bộ GTVT vừa gửi công văn yêu cầu các sở GTVT đôn đốc, kiểm tra các đơn vị vận tải thực hiện kê khai và niêm yết giá cước phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu để đảm bảo quyền lợi của người dân và báo cáo kết quả triển khai thực hiện trước ngày 30-9. Theo tôi, cách làm vẫn là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Quan điểm của Bộ GTVT là rất quyết liệt, một mặt yêu cầu các sở GTVT các địa phương phối hợp với sở tài chính tổng kiểm tra việc kê khai niêm yết giá cước của tất cả các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, mặt khác sẽ tiếp tục có các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra thực tế, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt, trong đó mức xử phạt cao nhất là tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, nếu tái phạm nhiều lần sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ngoài ra, những chế tài xử lý vi phạm về giá cũng đã được quy định trong Luật Giá. Cùng với những nỗ lực của Bộ GTVT, Bộ Tài chính cũng cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan như công thương, quản lý thị trường, thuế, công an... tiếp tục triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có việc yêu cầu và giám sát chặt chẽ việc kê khai giảm giá cước đối với dịch vụ vận tải bằng ô tô. Ngoài ra, người dân cũng cần có phản hồi đối với các cơ quan chức năng nếu phát hiện các doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước theo quy định. Tôi cũng xin nhắc lại, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng rất quyết liệt chỉ đạo việc kiểm soát giá cước vận tải, bộ trưởng cũng đã khuyến cáo người dân hãy tẩy chay các doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15-10-2014 của Bộ Tài chính - Bộ Giao thông Vận tải quy định, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký kê khai giá cước vận tải lần đầu và bắt buộc phải kê khai lại giá khi có sự thay đổi giá cước vận tải tăng, giảm giá vượt mức 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó do các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp tăng, giảm giá so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó trong phạm vi 3%, đơn vị không phải thực hiện kê khai lại, nhưng phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá. Đơn vị thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền ít nhất 5 ngày làm việc trước khi thực hiện theo giá kê khai. Hồ sơ kê khai giá và mẫu niêm yết giá được thực hiện theo mẫu. Đơn vị vận tải niêm yết giá cước theo quy định.
|
|
MINH DUY/SGGP