Sớm ban hành Nghị định xử lý cán bộ công chức
Cập nhật ngày: 19/11/2014 05:43:48
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, sáng 18/11.
Các đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đã đặt câu hỏi về tình trạng việc thi tuyển công chức, viên chức xảy ra tiêu cực và tại sao đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xử lý cán bộ cấp xã vi phạm kỷ luật? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, căn cứ Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Nội vụ đã có những hướng dẫn việc đổi mới thi tuyển đầu vào, thi nâng ngạch.
“Đến nay, Bộ đã tổ chức thi tuyển trên máy tính để nâng cao tính minh bạch, công khai, dân chủ trong quá trình thi tuyển công chức, viên chức hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số nơi vẫn xảy ra tiêu cực ở một số bộ ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã cử đoàn xuống kiểm tra, thanh tra như tại Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc thi tuyển công chức đã phân cấp về cho địa phương, bộ ngành nên Bộ chỉ làm công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý nhà nước đối với vấn đề này.
Về kết luận thanh tra công tác thi tuyển công chức tại Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ đang tích cực tiến hành và sớm công bố kết luận trong thời gian tới.
Đối với thực trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn về xử lý cán bộ cấp xã vi phạm kỷ luật, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết việc chậm trễ do quá trình trao đổi với một số cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay với trách nhiệm được giao, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện Nghị định về xử lý cán bộ công chức nói chung từ Trung ương đến địa phương chứ không chỉ cán bộ cấp xã. Hiện dự thảo Nghị định đang gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến và sẽ sớm ban hành trong quý 1/2015. Hiện Bộ Nội vụ đang soạn thảo và xin ý kiến về quy định tạm thời xử lý cán bộ công chức trong khi chờ ban hành Nghị định toàn diện về vấn đề này.
Nhiều cấp phó gây nhiều ý kiến dư luận xã hội
Về câu hỏi của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) về hiện tượng “lạm phát” cấp phó trong các cơ quan nhà nước và có nhiều đơn vị sự nghiệp làm ảnh hưởng đến việc tham mưu, quản lý nhà nước?
Theo Bộ trưởng, quy định cấp phó trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp được quy định tại các Nghị định của Chính phủ (Nghị định 36). Đối với đơn vị sự nghiệp được quy định bởi Nghị định 27 và 34 về các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, huyện.
Quy định cấp thứ trưởng không phải là quy định cứng mà có sự linh hoạt. Theo đó có quy định mỗi bộ có 4 thứ trưởng, nếu muốn tăng thêm phải có đề án báo cáo cấp có thẩm quyền như Ban Bí thư, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương.
Hướng tới sẽ có quy định cụ thể để hạn chế tình trạng này, bộ nào được bao nhiêu thứ trưởng phải quy định rõ để tránh việc bàn cãi ra vào.
Theo thống kê, bình quân thứ trưởng có 5,4 trong khi quy định là 4; cấp phó tổng cục quy định 3 nhưng bình quân 3,69; cấp phó của vụ quy định 3 nhưng bình quân 3,04; cấp sở quy định 3 nhưng bình quân 3,06.
“Đúng là bổ nhiệm nhiều thứ trưởng cũng gây nhiều ý kiến dư luận xã hội. Bộ Nội vụ đã làm gương với hiện nay chỉ có 4 thứ trưởng nhưng việc “làm gương” này chưa được lan tỏa lắm trong các bộ, ngành khác”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhìn nhận.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn về tình trạng gia tăng người năng lực yếu vào cơ quan nhà nước, nhưng lại có tham vọng làm lãnh đạo đã làm bộ máy yếu đi? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết về nghị định tinh giản biên chế đang được trình Thủ tướng ban hành để sớm triển khai trong năm tới.
Đặc biệt, đề án tinh giản biên chế đang trình Bộ Chính trị cho ý kiến với nhiều giải pháp quyết liệt trong tuyển dụng, sử dụng và tinh giản biên chế, nhất là loại bỏ những người năng lực yếu.
Đối với hiện tượng bổ nhiệm lãnh đạo ồ ạt trước khi nghỉ hưu, hạn chế thế nào của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận), Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng ban hành chỉ thị đối với vấn đề này như thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức cán bộ, nâng cao đạo đức công vụ, đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong mỗi tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu phải gương mẫu trong vấn đề này, xử lý nghiêm minh những sai phạm.
Về sự vô cảm của công chức khi giải quyết công việc cho dân đòi hỏi phải có sự đồng cảm của cán bộ khi giải quyết công việc cho dân, đặt vị trí của mình vào người dân. Phải tăng cường giáo dục, nâng cao đạo đức phẩm chất của cán bộ để chống bệnh vô cảm của một số cán bộ, công chức trong giải quyết công việc của dân.
Lê Sơn (Chinhphu.vn)