Sớm hoàn thiện chế độ chính sách cho cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính

Cập nhật ngày: 06/11/2022 06:22:00

Dù việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 bước đầu được đánh giá hoàn thành yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn hạn chế khi cán bộ dôi dư chưa được sắp xếp. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ sẽ nỗ lực sớm hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với cán bộ dôi dư.


Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn sáng 5/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm yêu cầu

Sáng 5/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã làm rõ về một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Có ý kiến đại biểu băn khoăn công tác này thực hiện trong thời gian ngắn, chưa đánh giá tác động đầy đủ, chưa lường hết các tình huống phức tạp phát sinh. Một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân, đến nay còn nhiều bất cập chưa được giải quyết liên quan các đơn vị hành chính mới thành lập sau sắp xếp.

Phát biểu giải trình tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 là chủ trương lớn, quan trọng. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo lộ trình và yêu cầu đặt ra.

Phó Thủ tướng thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lập đoàn giám sát chuyên đề về vấn đề này và đánh giá việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 bước đầu hoàn thành mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Theo đó, qua thực hiện đã giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đã giảm được 8 huyện, 561 xã.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nêu rõ vẫn còn những hạn chế, tồn tại sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, như cán bộ dôi dư chưa được sắp xếp, trụ sở còn lãng phí, xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Để giải quyết các hạn chế này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với cán bộ dôi dư, cũng như chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng báo cáo thêm về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành. Theo đó, Chính phủ cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai với quyết tâm cao, tinh thần quyết liệt và bám sát chủ trương, quy định của Đảng và của Quốc hội, nhằm bảo đảm bộ máy linh hoạt.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và chỉ đạo các bộ tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp để kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo bộ máy tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng; kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí và giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, cũng như giảm các đơn vị sự nghiệp công trong các bộ, ngành Trung ương.


Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn sáng 5/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo Phó Thủ tướng, đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành 15 Nghị định liên quan các bộ, còn lại 11 bộ, ngành sẽ tiếp tục ra các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, dự kiến sau khi sắp xếp sẽ giảm 17 Tổng cục, 8 Cục và 145 Vụ.

Về vấn đề tinh giản biên chế được nhiều đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, đây cũng là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo đúng lộ trình, mục tiêu đặt ra. Đến năm 2021, đã giảm 27.530 biên chế công chức, đạt 10%; giảm 236.366 biên chế viên chức, đạt 11%.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc tinh giản biên chế còn mang tính chất cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Tinh giản biên chế còn mang tính cơ học, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng nêu rõ Chính phủ sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tới đây sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cải cách hành chính, đổi mới công tác đánh giá bảo đảm thực chất, quan tâm đến việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư.

Riêng về giáo dục và y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế”.


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với lĩnh vực nội vụ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ sáng 5/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm và xây dựng cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, dưới sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; làm tốt nhiệm vụ quản lý ngành; đồng thời cũng nhận diện rõ một số vấn đề vướng mắc, bất cập, hạn chế mà ngành nội vụ cần tiếp tục quan tâm, nỗ lực hơn nữa để cải thiện, khắc phục trong thời gian tới.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, điểm nghẽn, vượt qua thách thức, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Trong đó, ngành nội vụ tiếp tục tập trung đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giai đoạn 2022-2026, phấn đấu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm phù hợp với các loại hình, mô hình tổ chức trong bộ máy nhà nước.

Cùng với đó, ngành cần khẩn trương phê duyệt và triển khai hiệu quả đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp; trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình triển khai thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo định lượng dựa trên kết quả công việc; sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm đồng bộ, thống nhất…

Theo TRUNG HƯNG (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn