Sử dụng máy kiểm tra an toàn thực phẩm liệu có khả thi?
Cập nhật ngày: 24/04/2016 08:34:56
Sử dụng máy kiểm tra an toàn thực phẩm nếu không được kiểm tra hiệu chuẩn và bảo dưỡng đúng cách thì sẽ cho kết quả sai lệch khá nhiều.
Thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường khiến nhiều người tiêu dùng quan tâm tới loại máy có xuất xứ từ Liên bang Nga, đo được hóa chất tồn dư trên thực phẩm. Tuy nhiên, chiếc máy này đang gây nhiều tranh cãi về độ chính xác và hiệu quả sử dụng còn chưa tương xứng.
Thiết bị đo độ an toàn trong thực phẩm có nguồn gốc từ Liên bang Nga, với 2 loại là Soeks Nuc-019-1 và Ecotester. Thiết bị này nhỏ gọn chỉ bằng một chiếc điện thoại di động, có thể đo và đưa ra được dư lượng nitrat có trong rau, củ, quả, thịt tươi và cảnh báo vượt hay không vượt ngưỡng cho phép. Nitrat là chất độc gây ung thư hàng đầu cho con người.
Máy kiểm tra an toàn thực phẩm đang được gia đình ông Lê Văn Toàn, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sử dụng
Nitrat được biết đến là lượng tồn đọng còn lại khi sử dụng quá nhiều phân bón hóa học hay các hóa chất bảo quản để ép chín hoặc giữ tươi hoa quả, thực phẩm. Ngoài ra, tình trạng sử dụng muối diêm để biến thịt ôi, thối thành tươi ngon cũng khiến cho nồng độ Nitrat có trong thực phẩm cao hơn.
Để sử dụng máy, người dùng chỉ cần cắm ngập đầu kim của máy vào thực phẩm và bấm máy. Trong vòng 20 giây, chỉ số nồng độ nitrat sẽ hiển thị, máy sẽ đối chiếu với mức nitrat quy định và đưa ra khuyến cáo phù hợp cho người tiêu dùng.
Hai loại máy trên đều được cài phiên bản tiếng Việt thuận tiện cho người sử dụng, trong đó có dữ liệu chỉ số hàm lượng nitrat chuẩn của hơn 60 loại thực phẩm theo quy định cho phép của WHO. Hiện tại, các loại máy này được đưa vào thị trường Việt Nam theo hai đường xách tay và nhập khẩu trực tiếp. Máy Soeks có giá từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng, máy Ecotester có giá 6,5 triệu đồng đo được cả nồng độ Nitrat và phóng xạ.
Ông Lê Văn Toàn, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Máy này về Việt Nam thì giá thành cao quá, mà chỉ có mỗi chức năng là kiểm tra chất nitrat thôi, nhưng thực ra trong thực phẩm còn rất nhiều chất khác nên chức năng của nó chưa thực sự đáp ứng được người dùng. Tôi có mang ra chợ thử thực phẩm bằng máy này, dùng cái kim để thử nhưng người ta không cho. Nhiều khi mua về rồi mới cắm thử thấy chỉ số vượt ngưỡng cao quá lại không dám dùng nữa. Cũng có người cho thử thì thấy hầu như các chất độc trong thực phẩm quá cao”.
Theo một số cửa hàng thực phẩm sạch, máy đo an toàn thực phẩm SOEKS chỉ đo được khoảng 60 loại thực phẩm thường gặp, trong khi chủng loại thực phẩm trên thị trường thì vô số. Nhiều khách hàng linh động bằng cách dùng thang đo của một loại để đo cho loại khác nhưng kết quả sẽ không chính xác vì đây là hai loại rau khác nhau. Thậm chí, cùng một loại rau thu hoạch cùng ngày, nhà vườn đã đưa mẫu đến phòng thí nghiệm phân tích đạt chuẩn nhưng máy đo của khách hàng lại báo vượt mức dẫn đến tranh cãi giữa khách và cửa hàng. Do đó, khách hàng không nên quá phụ thuộc vào loại máy này mà lầm tưởng có thể tìm được thực phẩm sạch.
Anh Cao Xuân Thành, chủ cửa hàng rau sạch tại phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Trước khi máy này xuất hiện và được nhập về Việt Nam thì mấy năm trước có loại máy tạo khí ozon cũng đã giúp giảm được thuốc trừ sâu ra khỏi rau củ quả.
Đối với máy này của Nga, việc kiểm tra rau quả sản xuất theo công nghệ sạch của Viet Gap thì nhiều khi cho kết quả không đúng. Điều này chưa hẳn tạo được tâm lý an tâm cho người tiêu dùng. Do đó tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm của người trồng trọt và chăn nuôi để đảm bảo cung cấp đến người tiêu dùng các sản phẩm sạch.
Theo các chuyên gia, máy đo an toàn thực phẩm Soeks có mức độ sai số khoảng 5%, sai số này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các thiết bị gắn đầu cảm ứng chỉ cho dự đoán ban đầu chứ không đủ độ tin cậy để đánh giá tuyệt đối. Chiếc máy này là máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm chứ không phải là máy đo an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng không nên hiểu lầm về công năng của nó.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho biết: Những chiếc máy này, người bán hàng hay lạm dụng từ ngữ là máy để xác định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Thực ra an toàn thực phẩm có rất nhiều chỉ tiêu chứ không phải chỉ có nitrat, mà nó là dư lượng thuốc trừ sâu các loại thì loại máy này không thể xác định được. Thứ nhất là việc vượt ngưỡng có thể xảy ra. Nhưng trong trường hợp vượt quá thì có đúng vượt quá hay không thì có thể đúng là vượt quá, nhưng cũng có thể do máy không chuẩn. Thứ hai do người sử dụng cũng không biết sử dụng cho đúng. Nếu có vượt ngưỡng mà mức vừa phải thôi thì cũng không đáng lo ngại vì nitrat không phải quá độc. Khi về chế biến để vài ba ngày chưa dùng tới hoặc rửa, nấu nướng thì nó cũng giảm đi rất nhiều rồi.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù hàm lượng nitrat ở ngưỡng an toàn cũng không đảm bảo thực phẩm đó là an toàn, bởi còn nhiều loại hóa chất độc hại khác như các loại kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, tăng trưởng và vi sinh vật cũng ảnh hưởng đến độ an toàn của thực phẩm. Đặc biệt, thuốc trừ sâu có hàng nghìn loại khác nhau và không thể kiểm tra bằng máy kiểm tra nhanh được mà phải đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích.
Bản thân các thiết bị kiểm tra nhanh, nếu không được kiểm tra hiệu chuẩn và bảo dưỡng đúng cách thì sẽ cho kết quả sai lệch khá nhiều. Bên cạnh đó, hàm lượng nitrat có trong thực phẩm ở mức rất thấp, đó chỉ là dư lượng nên để kiểm tra chính xác phải cần nhiều thiết bị chuyên dụng.
Bảo Ngọc/VOV