Tài nguyên sinh vật biển Việt Nam phong phú

Cập nhật ngày: 22/05/2017 13:38:40

ĐTO - Vùng biển, ven biển và hải đảo nước ta là môi trường sống của các loài sinh vật thủy sinh, các loài chim nước, chim di cư, các loài động thực vật trên các đảo, và là môi trường sống lý tưởng của con người.


Biển Khánh Hòa. Ảnh: ĐKH

Đến nay, trên vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau, trong đó ba vùng biển ven bờ là Móng Cái - Đồ Sơn, Hải Vân - Đại Lãnh - Vũng Tàu có mức đa dạng sinh học cao hơn các vùng còn lại.

Trong tổng loài sinh vật được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá, trong đó có trên 100 loài cá có thể đánh bắt vì mục đích kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước.

Ngoài ra còn phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Theo các nhà khoa học, con số trên chắc chắn còn thấp hơn số lượng loài thực tế do mức độ điều tra, khảo sát còn hạn chế.

Trên vùng biển nước ta có khoảng 1.122km2 rạn san hô với khoảng 350 loài san hô đá phân bổ rộng khắp từ Bắc vào Nam. Sống gắn bó với các vùng rạn san hô là trên 2.000 loài sinh vật đáy và cá, trong đó có khoảng trên 400 loài cá rạn san hô và nhiều hải đặc sản khác.

Rừng ngập mặn có khoảng 252.500ha, tập trung ở vùng biển đồng bằng sông Cửu Long (191.800ha). Sống dưới tán thảm thực vật ngập mặn có khoảng 1.600 loài sinh vật, trong đó có nhiều thủy đặc sản chỉ sống gắn bó với môi trường rừng này.

Các thảm cỏ biển phân bổ từ Bắc vào Nam và ven các đảo, ở độ sâu từ 0 - 20m, có tổng diện tích trên 5.583ha, tập trung ở ven biển các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, quần đảo Trường Sa và một số cửa biển miền Trung. Bước đầu, các nhà khoa học đã phát hiện 125 loài động vật đáy và 158 loài rông biển sống trong và dưới thảm cỏ biển. Trong thảm cỏ biển còn có nhiều loài có giá trị kinh tế cao sinh sống như ngó đen, ngó đỏ, hến, cua, tôm, hải sâm...

Các hệ sinh thái vùng bờ biển nước ta như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, vùng triều cửa sông, đầm phá và vùng nước trồi có năng suất sinh học cao và quyết định hầu như toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển phía ngoài. Khoản lợi nhuận thuần có thể thu được từ các hệ sinh thái này sơ bộ ước tính là 60 - 80 triệu USD/năm.

Theo các nghiên cứu, cứ 1m2 thảm cỏ biển sản sinh ra 10 lít ôxy hòa tan/ngày và tổng số loài cư trú trong thảm cỏ biển thường cao hơn vùng biển bên ngoài từ 2 - 8 lần. Đây là nơi thuận lợi cho quá trình sinh sản, ương nuôi nguồn giống hải sản và là những bãi hải sản quan trọng ở vùng biển ven bờ.

Ngoài ra, bản thân cỏ biển và cây ngập mặn còn cung cấp các nguyên vật liệu và hóa phẩm sử dụng trong đời sống hàng ngày như vật liệu bao gói, thảm đệm, phân bón, thuốc nhuộm, sơn ta... Bên cạnh đó, các hệ sinh thái biển và ven biển nói chung còn có giá trị cực kỳ quan trọng như điều chỉnh khí hậu và điều hòa dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa; là nơi cư trú, sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh vật không chỉ ở ngay trong bờ, mà còn từ ngoài khơi và theo mùa, trong đó có nhiều loài hải đặc sản.

Các hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ có giá trị to lớn về bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật biển và nguồn giống hải sản tự nhiên. Nên chúng thật sự là yếu tố ổn định đối với một số ngành kinh tế biển và một số ngành nghề biển mới dựa vào tài nguyên thiên nhiên như: ngành thủy sản, du lịch, bảo tồn thiên nhiên, nghề cá giải trí, du lịch lặn... Bảo tồn và phát triển kinh tế biển là hai mặt của một vấn đề trong phát triển bền vững biển.

Đăng Khôi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn