Tạm trữ lúa gạo, khai thông thị trường xuất khẩu

Cập nhật ngày: 16/02/2015 16:41:41

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thu mua tạm trữ lúa gạo năm 2015, chiều 13-2, tại Hà Nội, Liên bộ NN-PTNT, Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có cuộc họp khẩn để bàn về kế hoạch tiêu thụ và thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại cuộc họp, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay nguồn cung lúa gạo từ vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 ở các tỉnh ĐBSCL đang tăng cao, sản lượng trong tháng 2 và 3-2015 đã lên tới 3,65 triệu tấn quy gạo, trong khi lượng hợp đồng xuất khẩu gạo trong quý 1-2015 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2014. Còn theo VFA, tính đến ngày 31-1-2015, lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo mới chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn, trong đó còn 504.000 tấn được chuyển tuyến từ năm 2014 sang 2015. Căn cứ tình hình giá chào bán xuất khẩu hiện nay, VFA nhận định các nước có tiềm năng xuất khẩu lớn về lúa gạo như Thái Lan, Ấn Độ đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam, nhất là phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp tại các thị trường như Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Indonesia... trong khi nguồn cung dồi dào có thể sẽ tác động tới thị trường xuất khẩu lúa gạo trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2-2015, gây ảnh hưởng tới kế hoạch tiêu thụ lúa đông xuân và giá bán của bà con nông dân ở ĐBSCL. 

Để chốt phương án thu mua tạm trữ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ khoảng 1 triệu tấn quy gạo, thời gian bắt đầu từ ngày 1-3 đến hết 15-4. Phương thức tạm trữ sẽ thông qua đầu mối VFA phối hợp với UBND các tỉnh vùng ĐBSCL phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cho các doanh nghiệp có tính đến sản lượng lúa hàng hóa của từng địa phương và ưu tiên tiêu thụ lúa hàng hóa từ cánh đồng mẫu lớn. Phương án này cũng được đại diện Bộ Công thương hoàn toàn tán thành. Bộ Công thương cũng cho biết, cùng với việc mua tạm trữ, kế hoạch sau Tết Nguyên đán sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo sang các thị trường như Philippines, Malaysia, Indonesia… tìm cách khôi phục lại thị phần đã mất ở các thị trường cạnh tranh gay gắt, nhất là thị trường châu Phi và Hồng Công. Bộ Công thương cũng sẽ vận động và đàm phán thiết lập quan hệ xuất khẩu gạo chính thức với Trung Quốc, chuẩn bị điều kiện mở thị trường gạo với Mỹ, Nhật Bản, Mexico, Chile sau khi kết thúc Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.

Theo PHÚC HẬU/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn