Thái Bình cấm biển, kêu gọi hơn 1.500 lao động ngoài đầm, bãi vào nơi an toàn
Cập nhật ngày: 23/07/2024 05:27:24
Báo cáo lúc 17 giờ chiều 22/7, của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cho biết, các địa phương trên địa bàn đến thời điểm hiện tại đã triển khai các phương án kịp thời, hiệu quả để hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 2 gây ra.
Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình chủ động tiêu nước phòng chống ngập, úng (Ảnh: Mạnh Tường)
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hồi 15 giờ cùng ngày trên địa bàn có tổng số 986 tàu, thuyền với 2.936 lao động làm ăn trên biển, trong đó đang hoạt động ven biển Thái Bình 44 phương tiện/114 lao động; đang hoạt động khu vực vịnh Bắc Bộ 9 phương tiện/55 lao động; neo đậu tại các bến trong tỉnh 892 phương tiện/485 lao động; neo đậu ngoài tỉnh 41 phương tiện/272 lao động.
Ngoài ra, có 5 phương tiện/39 lao động của TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Trà Vinh và 1 tàu Panama đang neo đậu tại Thái Bình. Toàn tỉnh đã kêu gọi 936 lao động trông coi chòi ngao và 572 lao động ở các đầm bãi nuôi trồng thủy sản, hải sản của huyện Thái Thụy, Tiền Hải vào nơi an toàn.
Đến 17 giờ ngày 22/7, toàn bộ tàu thuyền ở tỉnh Thái Bình đã vào nơi trú ẩn an toàn
Trong ngày, bắt đầu từ 9 giờ sáng, tỉnh Thái Bình thực hiện cấm biển. Cụ thể, không cho tàu, thuyền ra khơi, dừng hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, cửa biển, ngoài khơi.
Tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24 giờ theo dõi mực nước, đóng các cửa cống tưới, mở các cửa cống tiêu; tổ chức khơi thông dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu, đề phòng mưa lớn gây ngập úng hoa màu và các khu vực trũng thấp, khu công nghiệp, đô thị, dân cư tập trung.
Trong ngày 22/7, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra tình hình phòng, chống bão số 2 tại một số địa phương. Nhìn chung, các huyện, xã trên địa bàn đã chủ động các phương án bảo vệ trọng điểm đê, kè, cống xung yếu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.
Theo MAI TÚ (NDO)