Thiệt hại nặng nề do bão số 8:
Tại chủ quan hay dự báo?

Cập nhật ngày: 30/10/2012 04:23:22

Cơn bão số 8 vào bờ biển miền Bắc đã gây thiệt hại nặng nề; hàng ngàn ngôi nhà dân bị tốc mái chỉ trong một đêm; hơn 5.500 cột điện đổ rạp; lúa, hoa màu nát bét khắp nơi. Ít nhất đã có 42 người chết, bị thương và mất tích.


Tàu khách neo đậu trên vịnh Cát Bà (Hải Phòng) bị bão số 8 nhấn chìm

Trở tay không kịp

Sau bão đi qua, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cho rằng đây là cơn bão kỳ dị cả về đường đi lẫn cường độ bão nên không thể dự đoán trước được. Nhưng những người dân ở vùng tâm bão Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh... thì chỉ biết “oán ông trời” vì cho rằng họ đã bị động và thiếu thông tin về vị trí bão đổ bộ, nhiều nơi ngay cả người dân cũng như chính quyền địa phương trở tay không kịp, không ít nơi còn chủ quan.

Nhìn cánh đồng lúa chín chưa kịp gặt đã tan hoang, ông Nguyễn Tuấn Thao, ở xã Bạch Đằng (Kiến Xương, Thái Bình), chua xót nói: “Phải mấy chục năm trở lại đây mới có cơn bão khiếp như vậy. Nhà nhẹ thì tốc mái, nặng thì bay luôn cả nhà”. Theo ông, bà con ở đây gần như bị động, không ai tin bão sẽ vào nên cho tới tận 5 giờ chiều 28/10 (trước thời điểm bão đổ bộ khoảng vài tiếng đồng hồ), loa đài phát thanh của xã mới phát đi tin báo bão của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cập nhật thông tin lúc 1 giờ chiều. “Lúc đó mưa gió kéo về đùng đùng thì người dân làm gì được”, ông Thao nói. Ở huyện ven biển Thái Thụy (Thái Bình), cho tới tận chiều 28/10, nhiều người dân còn tưởng rằng bão đang trên đường đổ vào miền Trung.

Ở tỉnh Nam Định, bà con khẳng định nhiều nơi còn chẳng hề có loa phát thanh kêu gọi bà con chuẩn bị ứng phó với bão cũng như chuyện bão lớn sắp đổ bộ.

Vì thế, chỉ sau một đêm, nhà cửa của dân tốc mái tứ tung, nhiều gia đình đang đêm phải chạy lánh bão trong mưa gió. Bà Nguyễn Thị Đan ở xã Xuân Phú (Xuân Trường- Nam Định) bức xúc: “Từ chiều 28/10 toàn bộ khu vực bắt đầu mất điện, nên chúng tôi chẳng còn nghe được thông tin bão ra sao nữa. Tới khoảng hơn 7 giờ tối thì nhà tôi bị tốc toàn bộ mái tôn phía sau. Giá như được dự báo sớm hơn, chúng tôi đã chủ động được mọi thứ”.

Tổn thất bất ngờ

Cơn bão số 8 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Ngay cả các tỉnh không nằm trong tầm ảnh hưởng của bão cũng chịu thiệt hại do dự báo chưa kịp thời, sát thực, như tỉnh Thanh Hóa phải sơ tán “oan” hàng ngàn người dân.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) Trung ương và thông tin từ các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 8, tính đến chiều và đêm qua (29/10), đã thống kê sơ bộ có ít nhất 8 người bị thiệt mạng, 34 người bị thương hoặc hiện còn đang mất tích. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB-TKCN Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương tìm kiếm người bị mất tích do bão số 8.

Bên cạnh mất mát về người, cơn bão số 8 cũng gây thiệt hại nặng nề về tài sản khi làm tốc mái, phá hỏng 5.073 ngôi nhà tại 4 tỉnh ven biển là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Thiệt hại nặng nề nhất khi bão số 8 tràn vào là tỉnh Nam Định. Theo UBND tỉnh Nam Định, chỉ riêng ở đây đã có tới hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái. TP Hải Phòng cũng có gần 1.000 nhà dân bị tốc mái, khoảng 400 - 500 cột điện khu vực ngoại thành bị đổ gãy. Đặc biệt, bão đã gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp và thủy lợi ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong đó, Nam Định là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 5.810ha lúa, 12.800ha hoa màu. Hầu như các vườn cây ăn trái, cây cảnh của dân đều bị bão “đánh” tơi tả. Tại Nam Định còn có 700ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 600 chòi canh bị đổ do cơn bão số 8 và 200m2 đê kè biển bị sụt lún. Tại Hải Phòng, hàng loạt trang trại chăn nuôi cũng bị bão làm tốc mái, hàng vạn gia cầm có nguy cơ chết. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng có khoảng 7.000ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch bị mưa kèm bão quật nát vùi trong nước ngập, chưa kể gần 30.000ha hoa màu vừa trồng rũ thành bùn. Cho tới chiều 29/10, thông tin liên lạc vẫn rất khó khăn do điện chưa thể cấp lại.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết, bão số 8 đã làm 41 tàu thuyền bị chìm, trong đó Nam Định 14 tàu, Hải Phòng 20 tàu... Đặc biệt, mưa bão đã quật đổ 2 cột truyền hình ở tỉnh Quảng Ninh và Nam Định cùng 31 cột thu phát sóng, 500 cột điện cao thế, 5.000 cột điện hạ thế và hàng ngàn cột treo cáp thuộc địa bàn tỉnh Nam Định…

Vào lúc 20 giờ 40 phút đêm 28/10, gió bão giật mạnh, liên tục đổi hướng đã “quật” đổ tháp truyền hình của Đài Truyền hình tỉnh Nam Định, làm một nhân viên của trạm phát sóng bị thương. Cả đoạn tháp cao hơn 100m đổ rạp xuống đất. Theo ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Nam Định, bước đầu đã xác định 4/5 độ dài của cột hư hỏng hoàn toàn, nhà đặt máy phát sóng bị một thanh giằng xuyên xuống gây hỏng nặng. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Nam Định, thiệt hại do bão gây ra tính toán sơ bộ đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng, còn tại Hải Phòng là hơn 400 tỷ đồng.

ĐH (Theo SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn