Thủ tướng hoan nghênh xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam ở Bạc Liêu
Cập nhật ngày: 21/09/2016 05:36:22
Hoan nghênh Bạc Liêu hướng tới phát triển thành vùng nuôi tôm hàng đầu Việt Nam, Thủ tướng cho rằng trong nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu, tỉnh đã tìm ra thời cơ để phát triển.
Hoan nghênh Bạc Liêu hướng tới phát triển thành vùng nuôi tôm hàng đầu Việt Nam, Thủ tướng cho rằng trong nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu, tỉnh đã tìm ra thời cơ để phát triển - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sáng 20/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Báo cáo trước Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết, thế mạnh lớn nhất của tỉnh là phát triển nuôi tôm, với diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Sản lượng tôm hằng năm khoảng 105 nghìn tấn (đứng thứ 2 cả nước), mang lại giá trị gần 11,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD), với nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Bạc Liêu cũng là một trong những trung tâm sản xuất tôm giống của ĐBSCL và cả nước với sản lượng sản xuất 25 tỷ con giống/năm, chiếm 50% của vùng ĐBSCL và 19,23% cả nước.
Với mục tiêu trở thành vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước và xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, tỉnh đã định hướng phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đã dự kiến quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” với diện tích giai đoạn I là 200ha. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận về chủ trương cho tỉnh xúc tiến các thủ tục để trình Thủ tướng phê duyệt thành lập Khu nông nghiệp này theo cơ chế riêng để tỉnh xúc tiến, mời gọi đầu tư.
Theo lãnh đạo Bạc Liêu, tỉnh thuộc nhóm địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, tỉnh đã bắt đầu hứng chịu các hậu quả của biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao với tần suất ngày một lớn. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng sớm có giải pháp tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu cho cả vùng ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có một số kiến nghị về hỗ trợ tỉnh trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ diêm nghiệp…
Góp ý với tỉnh, ý kiến các bộ, ngành cho rằng, là tỉnh ven biển thuộc ĐSBCL, Bạc Liêu tập trung phát triển thủy sản là hướng đi đúng khi biến thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển. Không chỉ “sống chung với hạn mặn”, Bạc Liêu có thể phát triển mạnh kinh tế nước mặn, mà theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, "con tôm là số một".
“Tôi có dịp tham quan các mô hình nuôi tôm ở Bạc Liêu thì thấy rất phù hợp”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói và lưu ý vấn đề xử lý triệt để nước thải của các trại nuôi tôm và chuỗi giá trị trong nuôi tôm từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chế biến thành phẩm.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, những năm qua, Bộ đã huy động các nhà khoa học bám sát, “cùng ăn cùng ở” với doanh nghiệp để nghiên cứu mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và sẵn sàng hỗ trợ Bạc Liêu về nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Các ý kiến cũng nhất trí cho rằng tỉnh có khả năng phát triển năng lượng tái tạo khi tỉnh có vùng gió mạnh và khá ổn định (bình quân gần 7 m/s), có nắng hầu như quanh năm với số giờ nắng trên 2.900 giờ/năm. Điều này rất có ý nghĩa để bảo đảm môi trường sạch cho nuôi tôm.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam ở Bạc Liêu
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá cao Bạc Liêu, một tỉnh thuần nông, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, là một trong những tỉnh khó khăn nhất của ĐBSCL nhưng đã rất quyết tâm, trăn trở tìm lối ra, chú trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển doanh nghiệp, tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
“Trong khó khăn, các đồng chí đã tìm ra lối đi, cách làm, định hướng khá rõ nét để phát triển”, Thủ tướng nhìn nhận và biểu dương nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, hạn chế ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, nhất là phấn đấu trở thành địa phương có sản lượng tôm đứng thứ 2 cả nước, bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm, có dự án điện gió công suất trên 100 MW, kêu gọi xúc tiến đầu tư với trên 15 dự án FDI. Bạc Liêu cũng là vùng du lịch tiêu biểu của vùng, với sản phẩm văn hóa đặc thù của địa phương, sản phẩm du lịch miệt vườn sông nước.
“Trong nguy cơ chúng ta đã tìm ra thời cơ để phát triển Bạc Liêu trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý tỉnh đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, tiếp tục động viên người dân gắn bó với quê nhà, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực.
Cơ bản nhất trí với các kiến nghị của Bạc Liêu, Thủ tướng hoan nghênh đề xuất xây dựng trung tâm sản xuất tôm của Việt Nam, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam ở Bạc Liêu gắn với bảo vệ môi trường. Thủ tướng đồng ý việc quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển tôm Bạc Liêu và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với các bộ liên quan có chuyên đề hỗ trợ tỉnh thực hiện chủ trương này.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xử lý các giải pháp tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu.
Thủ tướng cũng hoan nghênh đề xuất của Bạc Liêu xin rút dự án nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi quy hoạch điện VII để bảo đảm môi trường cho nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh tỉnh có nguồn phát triển điện gió; đồng thời giao Bộ Công Thương xem xét, tính toán cân đối nguồn điện.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Bạc Liêu đạt 5,09%. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 45,95% GRDP toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu hơn 266 triệu USD. Tổng thu ngân sách 8 tháng đạt gần 1.262 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8 tháng đạt 7.648 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. |
Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn