Thủ tướng Phạm Minh Chính: Có “ung nhọt” thì phải cắt, xử lý
Cập nhật ngày: 18/12/2022 06:24:22
Thủ tướng cho rằng, những yếu kém này đã tồn tại từ trước, chúng ta chưa giải quyết dứt điểm. Khi nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vừa qua thì càng bộc lộ rõ, nhưng căn bệnh ung thư di căn, phát tán do đó phải xử lý. Khi xử lý thì không có giải pháp tối ưu.
Toàn cảnh diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều 17/12. Ảnh: QUANG PHÚC
Chiều 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì.
Đáng chú ý, tại diễn đàn, nhiều ý kiến thảo luận dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề ổn định thị trường chứng khoán, bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp, không để hệ lụy xấu cho nền kinh tế.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nêu quan điểm, 70% cuộc khủng hoảng trên thế giới xuất phát từ thị trường tài chính. Hiện một bộ phận doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực BĐS) có tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời. Do đây là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023-2024, Chính phủ cần chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cũng cho rằng, thị trường BĐS có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Cùng với trách nhiệm của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn, giảm giá nhà đất, chuyển hướng, cơ cấu lại thị trường, hướng vào nhu cầu thực.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu ý kiến, Chính phủ và doanh nghiệp ngồi lại với nhau thì sẽ tháo gỡ được rủi ro này, bài học chống Covid-19 cho thấy không gì là không làm được. Việc tháo gỡ này cần tổ chức ngay trong quý 1/2023.
Đại biểu phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, qua 1 ngày thảo luận, các khó khăn, thuận lợi đã được nhận rõ. Tinh thần là cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân phải cùng vào cuộc để làm, để giải quyết những khó khăn hiện nay: đoàn kết thống nhất, chung sức chung lòng, hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn. Phải với tinh thần đó để cùng làm.
Nhấn mạnh những thành quả của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới cũng như nhận diện những khó khăn hiện nay, Thủ tướng cho rằng thành quả mà chúng ta đạt được vừa qua là rất đáng tự hào, chúng ta không tô hồng, cũng không bôi đen, mà có số liệu thống kê. Việt Nam là đất nước ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia được bảo đảm, uy tín Việt Nam trên thế giới ngày càng lớn, đối ngoại của chúng ta tốt. Đó là những nền tảng rất lớn.
Nhưng Thủ tướng cũng nhấn mạnh,quy mô nền kinh tế của chúng ta còn nhỏ, độ mở lớn, nên những biến động bên ngoài sẽ tác động đến Việt Nam. Nhưng chúng ta sẵn sàng đối diện, ứng phó, ứng xử với những khó khăn đó. Thực tế luôn diễn ra những khó khăn, thách thức, hết Covid-19 lại đến lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta không run sợ. Cũng sẽ không có giải pháp nào hoàn hảo, nhưng chúng ta có những ưu tiên, những lựa chọn cho từng thời điểm, ứng phó linh hoạt.
Nhiều chuyên gia nước ngoài tham dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC
Đề cập đến những rủi ro hiện nay của thị trường tài chính, ách tắc BĐS, thiếu cục bộ của thị trường lao động… Thủ tướng cho rằng, những yếu kém này đã tồn tại từ trước, chúng ta chưa giải quyết dứt điểm. Khi nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vừa qua thì càng bộc lộ rõ, như căn bệnh ung thư di căn, phát tán do đó phải xử lý. Khi xử lý thì không có giải pháp tối ưu. Ví dụ vừa qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, BĐS… có những “ung nhọt” thì chúng ta phải xử lý để bảo đảm sự lành mạnh, an toàn. Khi chữa bệnh thì phải mất công sức, thời gian, phải chịu đau, mất mát và phải có thời gian để chờ bệnh khỏi. Nhưng dứt khoát phải xử lý để các thị trường phải đi đúng bản chất của nó, với tinh thần khi có lợi ích phải hài hòa, khi khó khăn phải cùng chia sẻ.
Đơn cử các ngân hàng, doanh nghiệp phải có tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ. Doanh nghiệp BĐS đừng chỉ ra sản phẩm dành cho người giàu, phải có sản phẩm cho người nghèo, phải hạ giá xuống; các ngân hàng cũng tương tự, phải hạn chế sở hữu chéo, khi bình thường thì tăng lãi suất nhưng khi khó khăn phải hạ xuống, giảm lợi nhuận, vì nếu dân không giàu thì có đâu tiền mà gửi ngân hàng. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp cũng vậy, doanh nghiệp, người dân phải chia sẻ với nhau. Khi thuận lợi thì hài hòa lợi ích, khi khó khăn phải chia sẻ, vấn đề nào cũng đều có giải pháp cả, phải ngồi lại với nhau và với tinh thần hài hòa lợi ích, khó khăn chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tới dự phiên toàn thể cấp cao - Diễn đàn kinh tế Việt Nam, chiều 17/12. Ảnh QUANG PHÚC
Do đó, Thủ tướng đặt vấn đề: khi khó khăn thì tất cả phải vào cuộc, cộng đồng trách nhiệm, không nên chỉ đẩy hết trách nhiệm cho nhà nước. “Nền kinh tế của chúng ta vẫn tốt, nhưng trong bối cảnh khó khăn nhiều bề hiện nay, chúng ta lại cùng lúc xử lý nhiều tồn tại, yếu kém nên phát sinh nhiều vấn đề, nhưng chúng ta lạc quan về triển vọng nền kinh tế để bình tĩnh giải quyết”, Thủ tướng cho biết.
Về phương hướng phát triển năm 2023, Thủ tướng cho rằng, đối mặt nhiều khó khăn chúng ta không được chủ quan nhưng không được hoang mang, thách thức nhiều hơn, chúng ta phải có tâm thế chuẩn bị chủ động để ứng phó.
Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng chỉ rõ tư duy điều hành là phải đoàn kết nhưng có kỷ cương, bản lĩnh và linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời và hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương bám sát nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ. “Các bộ ngành còn ì ạch quá, phải quyết liệt, đôn đốc”, Thủ tướng nêu.
Chỉ rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành trong giai đoạn này, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bám sát yêu cầu ổn định vĩ mô, giải quyết dứt điểm các tồn tại trên tinh thần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tích cực, chủ động, phản ứng chính sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo PHAN THẢO (SGGPO)