Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương đảm bảo cân đối điện, xăng, dầu...

Cập nhật ngày: 03/10/2014 05:00:02

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công thương đảm bảo cân đối điện, xăng dầu, than gắn với đẩy mạnh sản xuất công nghiệp.

Chiều 2/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt ngành Công thương về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại từ đầu năm đến nay và chỉ đạo các biện pháp trọng tâm của toàn ngành trong thời gian tới.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Bộ Công thương

Theo báo cáo của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao hơn cùng kỳ năm ngoái với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7 %, trong đó sản xuất và phân phối điện tăng trưởng trên 11%. Tuy nhiên, giá trị gia tăng một số ngành như dệt may, da giầy, lắp ráp ô tô, điện tử chưa được cải thiện nhiều và chủ yếu vẫn thực hiện theo hình thức gia công, lắp ráp. Theo đánh giá chung, các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước nên kim ngạch nhập khẩu mặt hàng đầu vào cho sản xuất vẫn còn cao. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm nhưng các sản phẩm phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phục vụ dân sinh vẫn ở mức cao.

Hoạt động thương mại tăng cả quy mô và tốc độ. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua có tốc độ cao hơn nhập khẩu, đạt gần 110 tỷ USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm ngoái và cả nước đã có 21 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong số các nhóm hàng xuất khẩu, thì công nghiệp chế biến chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu trong 9 tháng qua và tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Bộ Công thương và lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty trực thuộc bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành cũng như các nhiệm vụ, biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ cùng các kết quả đạt được khá toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực của toàn ngành công thương từ đầu năm đến nay, nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tăng cao và tiếp tục xuất siêu,… góp phần hoàn thành khả thi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành trong cả năm nay. Bộ Công thương cũng đã làm tốt công tác quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch gắn với tích cực mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Với yêu cầu phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo ngành công thương tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát ban hành các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể trong các lĩnh vực được giao, nhất là trong tiếp cận điện năng; ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại; khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ…. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thu hút mạnh đầu tư và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là điện, xăng dầu gắn với chất lượng và than.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cái gốc muốn tăng trưởng là sản xuất kinh doanh. Hiện chúng ta đã đạt chỉ số công nghiệp 6,7% rồi thì muốn tăng trên 7% phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Bây giờ Bộ quản lý, đại diện chủ sở hữu một số cân đối lớn của nền kinh tế phải bảo đảm, một là điện không để thiếu, thứ hai là xăng dầu ổn định và đảm bảo chất lượng và thứ 3 là đảm bảo than… Bảo đảm cân đối tốt, điện, than xăng dầu không để mất ổn định theo hướng kinh tế thị trường công khai minh bạch, không bao cấp tràn lan như cơ chế cũ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh các tập đoàn, tổng công ty và toàn ngành để đảm bảo kết quả tăng trưởng công nghiệp cao nhất”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ Công thương tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trước hết, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ đã có đề án được phê duyệt không nói và làm theo kiểu chung chung, mà phải có đề án, kế hoạch cụ thể và thời gian thực hiện rõ ràng để có được công nghệ cao hơn, giảm dần gia công, lắp ráp, nâng cao năng suất lao động, đổi mới mô hình quản trị…

Bộ Công thương tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, nhất là khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam gắn với đấu tranh kiên quyết với buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng với khai thác tối đa các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ đàm phán và sớm ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đồng thời đấu tranh với các rào cản thương mại quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Bộ Công thương tiếp tục tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng phục vụ, thủ tục nào gây cản trở, thủ tục nào là rào cản thuộc lĩnh vực, thẩm quyền của bộ công thương thì phải kiên quyết cải cách, cắt bỏ để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp…./.

Thành Chung/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn