Thương lái nước ngoài đổ xô mua cau non, nụ thanh long - Cảnh giác vẫn chưa muộn!
Cập nhật ngày: 12/05/2015 07:29:06
Tiếp sau lá bần ổi, lá mãng cầu xiêm, gần 1 tháng nay, nhiều thương lái bắt đầu mua nụ thanh long, trái cau non… Nhiều nơi, thương lái còn đứng ra xây dựng cơ sở để sơ chế nụ hoa bán sang Trung Quốc. Bài học từ việc thương lái thu gom, mua các loại lá rồi bị ùn ứ, rồi bỏ chạy trước đây xem ra vẫn chưa muộn!
Cau non giá “khủng”
Hơn 1 tháng qua, những điểm thu mua trái cau già ở thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) trở thành nơi “tập kết” cau non được thu mua từ nhiều địa phương chuyển về. Theo đó, cau non có giá 40.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi cau già chỉ có giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với giá ngất ngưởng, người dân ùn ùn bán cau non cho thương lái.
Ông Nguyễn Văn Năm ngụ ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền nói: “Thương lái đi lùng sục mua cau non khắp nơi. Họ nói mua để xuất sang nước ngoài nhưng không biết nước nào”. Ông Nguyễn Hùng Thoại, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Điền, cho biết: “Hiện nay, từ 14 - 16 giờ mỗi ngày, rất nhiều người chở cau non đến bán cho thương lái tại các điểm thu mua. Người dân bán hết cau non nên không còn cau già nữa”.
Một điểm thu mua cau non ở thị trấn Phong Điền, Cần Thơ. Ảnh: HUY PHONG
Tình trạng thương lái lùng sục mua cau non còn diễn ra tại nhiều tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lâm, nông dân trồng cau ở ấp Rạch Đùi, xã Minh Thới (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) nói: “Nhà tôi có 100 cây cau đang cho trái, thương lái đến đề nghị mua cau non và đặt cọc tiền trước. Hiện mỗi ngày có cả chục người đến hỏi mua cau non với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg”.
Ông Tô Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Điền (huyện Cầu Kè), phản ánh: “Khoảng 10 ngày qua, một số người ở nơi khác đến xã tìm mua cau non. Tôi cố tình tiếp cận, hỏi mua để làm gì thì họ không trả lời”.
Theo ông Võ Châu Sơn, một thương lái đang thu mua cau non tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết: “Một ngày tôi thu mua khoảng 400kg cau buồng từ bạn hàng các địa phương. Tôi và nhiều thương lái khác mua để bán lại cho một chủ khác để họ đem về TPHCM, rồi vận chuyển bằng máy bay ra Hải Phòng, từ Hải Phòng sẽ được đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Tôi chủ yếu liên lạc với người mua ở TPHCM qua điện thoại”.
Trước tình hình thương lái thu mua cau non ồ ạt, ông Nguyễn Lạc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền, khuyến cáo: “Người dân không nên thấy cau có giá mà đốn những loại cây đặc sản nổi tiếng của địa phương để trồng loại cây này. Thời gian qua đã xảy ra nhiều sự kiện tương tự. Khi họ không mua nữa thì chỉ có nước ôm cây mà khóc”.
Nụ thanh long… dễ bán
Tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), hiện có ít nhất 4 cơ sở thu mua nụ thanh long. Riêng tại xã Quơn Long còn có thương lái bỏ tiền ra đầu tư xây dựng kho lạnh, lò sấy để sơ chế nụ hoa tại chỗ với công suất hàng tấn nụ mỗi ngày.
Ông Phan Hoàng Nhân, chủ một cơ sở thu mua thanh long tại ấp Long Hiệp, xã Quơn Long cho biết: Do bạn hàng ở Long An đặt mua nụ thanh long (dạng nụ, chưa nở) có bao nhiêu cũng gom hết nên ông đặt mua bà con trong vùng. Nụ thanh long phải có hình dáng đẹp, thon dài khoảng 20cm thì mới có giá cao. Có ngày cơ sở của ông mua được hàng tấn nụ.
Bà Trần Thị Châu Giang, chủ một cơ sở sơ chế nụ thanh long, cho biết bà nghe nói nụ hoa thanh long sau khi sơ chế sẽ được sử dụng làm trà. Sau khi sơ chế xong, cơ sở của bà sẽ cho xe chở trực tiếp ra cửa khẩu Móng Cái để giao cho bạn hàng bên đó. Giá mỗi ký nụ thanh long khô hiện khoảng 120.000 đồng. Nhiều nông dân tại xã Quơn Long cho biết với mức giá khoảng 3.000 đồng/kg thì bán nụ hoa vẫn có lời nhưng chưa cao. Nếu giá khoảng 5.000 đồng/kg thì cắt nụ bán hết lời hơn, khỏi tốn chi phí phân thuốc, công chăm sóc từ lúc ra nụ đến khi trái chín.
Bà Trần Thị Bích Duyên, một nông dân trồng thanh long, cho biết thấy người ta mua nụ thanh long có giá thì bà cắt tỉa bán bớt chứ không bán hết. Bà thấy làm vậy cũng chưa ảnh hưởng gì tới sinh trưởng của cây nên không… sợ. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi nếu thương lái đặt bà cắt nụ với số lượng lớn rồi không lấy thì tính sao? Bà Duyên cũng như nhiều nông dân khác… im lặng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo thừa nhận trên địa bàn xã đã xảy ra tình trạng này nhưng UBND bối rối, chưa biết xử lý ra sao. Ông Tạo cho rằng đây là vấn đề của… cơ quan chức năng, chuyên môn chứ không phải thẩm quyền của xã. Còn ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật (Phòng NN- PTNT huyện Chợ Gạo) khuyến cáo: nông dân cần thận trọng khi giao dịch, mua bán nụ thanh long với thương lái; đồng thời khuyến cáo nông dân chỉ bán nụ dư thừa, nụ xấu chứ đừng cắt nụ tốt, nụ đẹp để bán. Đồng thời cho biết sẽ phối hợp với các xã trồng nhiều thanh long tăng cường tuyên truyền người dân thận trọng trong mua bán những mặt hàng phi truyền thống.
Ùn ùn mua cam non bán qua Trung Quốc
Thời gian gần đây nhiều thương lái kéo về các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp… thu mua cam non để bán sang thị trường Trung Quốc. Chiều 10-5, ông Nguyễn Văn Tồn, ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Vùng này trồng cam rất nhiều nên thu hút lượng lớn thương lái về lùng sục mua cam non. Hiện tại giá cam non nguyên trái được thương lái mua 2.000 đồng/kg, cam non xắt miếng phơi khô mua giá 12.000 đồng/kg… số lượng mua không hạn chế”.
Theo ông Tồn, người dân hái cam non bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc, chủ yếu là những vườn cam trái nghịch vụ, trái lọt sọt nên phải hái bỏ; những vườn cam sau khi thu hoạch xong ra trái lở; cam rụng… nên nhà vườn thu gom lại để bán. Chủ đại lý thu mua cam non Ngọc Mai, ngụ huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) tiết lộ: “Mấy ngày nay thương lái kêu giao cam non tăng vọt. Gia đình tui làm đại lý nhỏ nhưng mỗi ngày cũng “xuất” hơn 2 tấn cam non cho các nơi để cung ứng sang thị trường Trung Quốc”.
Đại lý Ngọc Mai cũng như những đại lý khác thừa nhận, chỉ thu mua và bán cam non để xuất sang Trung Quốc kiếm đồng lời, riêng bên Trung Quốc thu mua cam non để làm gì thì không ai rõ…
HUY PHONG - HỮU THỊNH - HUỲNH LỢI/SGGP