Tình người trong mưa bão
Cập nhật ngày: 09/09/2024 05:14:16
Người thiệt mạng và bị thương, nhà cửa hư hỏng, tốc mái, cây xanh gãy đổ la liệt… là những thiệt hại mà cơn bão số 3 (Yagi) càn quét qua các tỉnh, thành phía Bắc. Trong cơn mưa bão khủng khiếp ấy, những căn nhà mở đón đồng bào đến trú, những chiếc xe ô tô che chắn gió cho đoàn xe máy trên đường… là nghĩa cử cao đẹp, tuy nhỏ bé thầm lặng nhưng ấm áp tình người. Xúc động, trân trọng, biết ơn là những cảm xúc mà cộng đồng dành cho những nghĩa cử cao đẹp này.
1. Ngày 7 và 8/9, trong những khu vực bị bão đổ bộ, nhiều người dân có chỗ ở để trống đã mở cửa đón người đến trú tạm và hỗ trợ nhu yếu phẩm. Thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, những nơi trú bão cho người vô gia cư hoặc người cần tránh bão khẩn cấp được chia sẻ rộng rãi, từ đó, tình nghĩa đồng bào được lan tỏa.
Chiều 7/9, trên diễn đàn ô tô, một thành viên đăng một danh sách tổng hợp các địa chỉ là căn hộ, nhà chung cư mini... cùng số điện thoại để nhờ cộng đồng lan tỏa đến những người đang gặp khó khăn về chỗ ở khi bão đang cận kề Hà Nội.
Nhiều gia đình ở Hà Nội rộng cửa đón người gặp khó khăn đến tránh bão
Từ chiều 7/9 đến ngày 8/9, tại số 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) - căn nhà để trống 100m2 của cặp vợ chồng trẻ Phương Anh - đón được khoảng 20 người tới tránh bão. Không chỉ tự nguyện cho người dân đến trú bão, hai vợ chồng còn sẵn sàng trả tiền taxi cho bất kỳ ai có hoàn cảnh khó khăn.
Trong nhóm người đến tránh bão, có 1 trường hợp là người vô gia cư, còn lại đều là những người lao động khó khăn khi nơi ở trọ bị hư hỏng, người ở tỉnh lẻ chưa ổn định chỗ ở và những người bị mắc kẹt ngoài đường.
Đến 22 giờ ngày 7/9, vợ chồng chị Phương Anh còn tiếp đón 1 bạn trẻ ở Nguyễn Trãi (TP Hà Nội) đến trú nhờ khi nhà trọ bị tốc mái, phải xách hai bao tải đồ mang theo.
Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, chị Phương Anh cho biết: “Khi đăng bài lên mạng xã hội, đồng thời, tôi cũng đã đi mua ngay những nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ người dân. Đến tối ngày 7/9, rất nhiều cuộc gọi đến xin trú nhờ mà tôi không thể gọi được đủ xe để đón. Trong nhóm người đang ở nhờ nhà tôi, đa phần tôi gọi được xe đến đón họ, còn một số ít người dân ở gần thì tự đi xe máy đến”.
Sống trong căn nhà trọ xập xệ, thấy bài đăng của chị Phương Anh, Chu Mạnh Dũng (27 tuổi, ở phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) đã liên hệ xin ở nhờ 1 hôm. Không những được ở nhờ, mà còn được hỗ trợ về ăn uống, Dũng xúc động bày tỏ: “Tôi thấy rất vui vì gặp được người tốt. Tôi ở quê lên, không có điều kiện để thuê căn nhà kiên cố, may mắn có người cho ở nhờ thì mới bình an vượt qua được cơn bão khủng khiếp như vậy”.
Cho đến ngày 8/9, chị Phương Anh vẫn nhận được nhiều cuộc gọi hỗ trợ. Gia đình chị cùng người dân trong khu vực gom góp đồ đạc, mua đồ ăn, nhu yếu phẩm để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn sau bão. Chị Phương Anh bày tỏ: “Hành động bình thường, nhỏ bé nhưng nhờ có sự chung tay chia sẻ của cộng đồng mạng, tôi có thể hỗ trợ được nhiều người hơn. Tôi thấy vui khi giúp đỡ được người dân trong khả năng và điều kiện của mình”.
Không chỉ là chỗ ở, tình người trong mưa bão còn được thể hiện ngay trên những cung đường. Không chỉ ở Hà Nội mà tại Quảng Ninh, Hải Phòng..., những nơi siêu bão đi qua, rất nhiều những câu chuyện tốt đẹp lan tỏa trên mạng xã hội, khiến nhiều người xúc động như: xe ô tô nối đuôi nhau di chuyển với tốc độ chậm để che chắn gió bão cho người đi xe máy qua cầu; hay dừng xe giải cứu khách bộ hành đang lao đao trong mưa gió... Chính nghĩa đồng bào đã đem mọi người xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn, thiên tai, hoạn nạn.
Trong khó khăn, hoạn nạn, tinh thần "lá lành đùm lá rách" lại được nhân rộng, tỏa sáng
2. PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xúc động chia sẻ: "Cơn bão số 3 - một trong những thảm họa lớn nhất gần đây - đã một lần nữa thử thách tinh thần và ý chí của người dân Việt Nam. Trong cơn bão, chúng ta đã thấy những chiếc ô tô bảo vệ xe máy, giúp đỡ người đi đường an toàn hơn; những khách sạn, căn hộ mở cửa miễn phí cho người cần nơi trú ẩn. Các hành động này không chỉ là hình ảnh đẹp, mà còn là biểu tượng của tình người ấm áp, sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách".
Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, những nghĩa cử này còn chứng minh sức mạnh của sự đoàn kết, khẳng định rằng người Việt Nam luôn sẵn lòng hỗ trợ và chia sẻ trong mọi hoàn cảnh. Mỗi hành động, dù lớn hay nhỏ, đều lan tỏa cảm hứng và khơi dậy tinh thần tương trợ trong xã hội. Khi thấy những người xa lạ giúp đỡ nhau, chúng ta lại cảm thấy ấm lòng và thêm niềm tin vào con người. Điều đó thể hiện sự đồng lòng, sức mạnh của cộng đồng và tinh thần kiên cường vượt qua khó khăn. Chúng ta có thể tự hào và trân trọng những hành động đầy tình thương này.
Những nghĩa cử cao đẹp này không chỉ là phản ứng trước thiên tai, mà còn nhắc nhở chúng ta về giá trị của tình người trong cuộc sống hàng ngày, giúp chúng ta luôn ghi nhớ về tầm quan trọng của sự đoàn kết và chung tay vượt qua mọi thử thách. Dù trong hòa bình hay khó khăn, sự đoàn kết và lòng nhân ái của người Việt Nam luôn là nguồn sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, xây dựng một đất nước giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc trên nền tảng những giá trị cao đẹp của dân tộc.
Theo HÀ NGUYỄN (SGGP)