Tôn trọng và bảo vệ hình ảnh cá nhân

Cập nhật ngày: 18/10/2016 13:40:20

Lạm dụng hình ảnh của người nổi tiếng để trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thay vì sử dụng quyền công dân để đưa sự việc ra trước pháp luật, nhiều người bị hại lại chỉ thông báo sự việc với cơ quan báo chí, hoặc đăng ý kiến phàn nàn, phản đối trên website, facebook cá nhân…

Về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình và việc bảo vệ quyền đó như thế nào, văn bản pháp luật Việt Nam liên quan đều đưa ra các điều luật với tiêu chí cụ thể, khẳng định cá nhân có quyền với hình ảnh của mình, và việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý; sử dụng hình ảnh người khác vào mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại, áp dụng biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Luật Quảng cáo đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, đề cập cụ thể hành vi bị cấm tại khoản 8, Điều 8: “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”; Nghị định 181/2013/NĐ-CP cũng đề cập vấn đề này khi đưa ra quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Như vậy, tương tự nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, pháp luật Việt Nam coi quyền nhân thân (personality rights) nói chung và bảo vệ hình ảnh nói riêng, là quyền cơ bản của con người, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Tuy nhiên, sau khi thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xử phạt một công ty cổ phần chăm sóc sắc đẹp tại Hà Nội 50 triệu đồng vì sử dụng hình ảnh của Đ.L trên website khi chưa được diễn viên này đồng ý, lại có người đưa ra lập luận kỳ quặc rằng: “Đẹp thì người ta mới mượn hình ảnh có gì là ghê gớm”, “chị phải cảm ơn họ vì đã giúp chị nổi tiếng hơn”… Trước đó, một số người nổi tiếng trong giới giải trí như L.K, T.N.A, Đ.V.H, J.P hay mới đây là tân hoa hậu M.L đã có trong danh sách nạn nhân của việc lạm dụng hình ảnh. Đáng lên án nhất là việc chỉnh sửa, cắt gắp gương mặt một diễn viên hài nổi tiếng để minh họa bìa cuốn Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014. Bìa cuốn sách này có thể xem là thí dụ điển hình cho hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân khi chưa có sự đồng ý của họ. Và gần đây, bị hại không chỉ là người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, mà còn lan sang cả lĩnh vực khác, như vừa qua con gái PGS, TS V.N.C phải lên tiếng trên facebook đề cập việc người ta đã sử dụng hình ảnh nhà giáo nổi tiếng này để quảng cáo từ trung tâm dạy thêm tới… thuốc chữa viêm đường tiết niệu! Ngay những người bình thường cũng trở thành nạn nhân của hành vi nói trên, như mới đây một cô gái chỉ biết kêu trời… khi phát hiện tấm ảnh của mình đã bị một số trang tin điện tử dùng để “minh họa” cho bài viết Cô gái chết thâm tím vì mở quạt máy!

Thế nhưng, điều đáng quan tâm là thay vì khởi kiện đơn vị vi phạm quyền sử dụng hình ảnh cá nhân, phần lớn người bị hại chỉ im lặng, hoặc là chia sẻ bức xúc của mình trên một số tờ báo hoặc mạng xã hội. Thường thì quan niệm chung là bỏ qua, vì nghĩ rằng quy trình kiện tụng phức tạp và mất nhiều thời gian theo đuổi. Một số người thì e ngại vụ kiện ồn ào có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Thậm chí có người sợ bị “tố ngược” là lợi dụng chính việc lạm dụng hình ảnh của mình để gây sự chú ý, là “quảng cáo trá hình”! Có thể nói tâm lý e ngại của một số người nổi tiếng lại vô tình tiếp tay, tạo cơ hội cho một số tổ chức, công ty lợi dụng kinh doanh hình ảnh của họ. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ngày càng tăng các vụ việc nói trên là do một số cá nhân chưa chú ý quản lý bản quyền hình ảnh của mình, thiếu người đại diện và tư vấn pháp luật, dẫn đến hậu quả là tình trạng có vụ việc diễn ra tới vài ba năm mà nạn nhân bị xâm phạm hình ảnh mới biết, trong khi nơi có sai phạm lại kinh doanh mùa vụ, chộp giật nên rất khó xử lý. Chưa kể, facebook và các mạng xã hội còn có tính năng chia sẻ hình ảnh hoặc vi-đê-ô lại vô tình tạo ra cơ sở dữ liệu khổng lồ cho phép các đối tượng xấu thoải mái ăn cắp hình ảnh để hoạt động trục lợi.

Trên thế giới đã có nhiều vụ án được giải quyết theo hướng bảo vệ quyền của người bị sử dụng hình ảnh. Như năm 2010, một tạp chí ở Nhật Bản phải bồi thường số tiền 4 triệu yên vì sử dụng hình ảnh ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc Bae Yong Joon (Bi Dong Giun) mà không được anh cho phép. Năm 2015, Phạm Băng Băng cũng thắng kiện một đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ tại Đài Loan khi cơ sở trên sử dụng hình ảnh của cô để quảng cáo dịch vụ gọt cằm. Cũng năm 2015, sau thời gian kiện tụng kéo dài từ năm 2008 mà báo chí phương Tây ví là “cuộc chiến áo phông”, cuối cùng gia đình cố danh ca B.Marley (B. Ma-lây) đã thắng kiện hãng thời trang A.V.E.L.A, và hãng này phải bồi thường vì tự ý in hình ảnh B.Marley lên các sản phẩm thời trang của mình mà chưa có sự cho phép của gia đình, dù trước đó đại diện của A.V.E.L.A khẳng định đã có “giao kèo mật” với ngôi sao đã khuất. Tương tự, ca sĩ Rihanna (Ri-ha-na) cũng thắng kiện hãng thời trang Topshop ở Anh vì lý do tương tự. Trước đó, Topshop cho rằng họ không vi phạm pháp luật của nước Anh, vì bức ảnh họ sử dụng được mua lại từ một nhiếp ảnh gia độc lập khi người này chụp bức ảnh tại buổi ra mắt một album âm nhạc mới của Rihanna. Thế nhưng, Tòa án ở nước Anh khẳng định Topshop đã cố tình “lách luật” và dù luật pháp Anh không cấm việc một cá nhân bán hoặc sao chép lại các bức ảnh của họ, nhưng hành động của hãng thời trang trên đã vi phạm quyền nhân thân của Rihanna. Đầu năm 2016 mới đây là sự kiện ba chị em K.Kardashian (K.Ka-đa-si-an) thắng kiện cơ sở làm đẹp Haven Beauty, cho dù hai bên đang là đối tác làm ăn. Trước đó, Haven Beauty mua thương hiệu Kardashian nhưng không có điều khoản cho phép họ sử dụng những hình ảnh cá nhân của ba chị em người mẫu này để quảng bá sản phẩm…

Nhưng cũng phải đề cập việc cá nhân vi phạm hợp đồng đã ký kết về việc sử dụng hình ảnh. Năm 2012, ngôi sao bóng đá Ronaldinho (Ro-nan-đi-nhô) bị tập đoàn Coca - Cola chấm dứt hợp đồng quảng cáo giá trị 1 triệu USD sau khi báo chí đăng tải dày đặc tấm ảnh anh vô tư uống nước giải khát Pepsi trong một buổi họp báo trước trận đấu. Tại nhiều nước châu Á, nhiều ngôi sao đã thua kiện dù bản thân họ chính là nạn nhân của việc lạm dụng hình ảnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp, các ngôi sao này đã vội vàng ký kết hợp đồng, giao ước với các đơn vị quản lý mà không hay biết, đoán trước các điều khoản sử dụng, ràng buộc hình ảnh của bản thân mình. Cá biệt tại Pháp và Hàn Quốc, do quy định về quyền bảo vệ hình ảnh ít nhiều còn lỏng lẻo, mà nhiều ngôi sao bị thua kiện. Năm 2014, 35 ngôi sao hàng đầu ở Hàn Quốc trong đó có nam tài tử Jang Dong Gun (Giang Đông Gun), nữ diễn viên Song Hye Kyo (Song Hy Ki-o) đã vắng mặt trong phiên tòa họ bị xử thua sau khi tố cáo bất thành một bệnh viện chỉnh hình lấy hình ảnh các nghệ sĩ này để quảng cáo. Tại Mỹ, do tính phức tạp và bất đồng trong các quy định luật pháp của từng tiểu bang, nhiều cá nhân trong đó có các ngôi sao đã vô tình rơi vào cái bẫy kiện tụng khi các bằng chứng của họ không có giá trị pháp lý tại địa phương. Hy hữu, một số ngôi sao còn bị kiện ngược khi sử dụng hình ảnh của mình mà chưa xin phép các đơn vị đại diện.

Nhìn lại sự kiện trên, nhất là với những người nổi tiếng ở phương Tây, có thể thấy họ có ý thức rất rõ ràng và cụ thể về quyền nhân thân của mình, mà bản quyền hình ảnh là một trong các phương diện thể hiện. Điều này có căn nguyên từ quy định nghiêm ngặt của luật pháp ở nhiều quốc gia phương Tây và ý thức tuân thủ luật pháp của mỗi người trong việc bảo vệ hình ảnh của mình và người khác.

Ở Việt Nam hiện tại, phải nói rằng tâm lý xem nhẹ, thậm chí thấy bất lực khi cần bảo vệ hình ảnh trước xã hội hoặc bị người khác sử dụng để trục lợi, vẫn tồn tại trong nhiều người. Vì thế, cùng với việc lên án cá nhân, tổ chức lạm dụng hình ảnh, đã tới lúc mọi người cần tự ý thức việc tự bảo vệ hình ảnh, nhân thân của mình. Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật không chỉ liên quan những việc to tát, mà bắt đầu từ những việc rất nhỏ, cần coi đó là thực hiện quyền con người.

VIỆT QUANG/NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn