Trái cây Việt rộng đường xuất khẩu

Cập nhật ngày: 15/12/2016 09:18:12

Theo Bộ NN-PTNT, giá trị xuất khẩu mặt hàng trái cây trong tháng 11-2016 đạt 186 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này trong 11 tháng lên 2,178 tỷ USD, chủ yếu xuất sang các thị trường lớn gồm Trung Quốc (70,4%), Hàn Quốc (3,6%), Hoa Kỳ (3,4%) và Nhật Bản (3,1%). Dự báo, năm 2016 là năm đầu tiên giá trị xuất khẩu trái cây vượt qua mặt hàng gạo, trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia.

Tín hiệu lạc quan

Bộ NN-PTNT nhận định, xuất khẩu trái cây hiện đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp và đứng thứ ba về giá trị trong danh sách 9 sản phẩm nông lâm ngư nghiệp. Trong số 29 loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam, thanh long chiếm vị trí đầu bảng với giá trị xuất khẩu đạt hơn 700 triệu USD, tương đương gần 50% tổng giá trị xuất khẩu. Tiếp theo là nhãn, dưa hấu... đều tăng trưởng ấn tượng.

“Những tháng cuối năm, ngành trái cây liên tiếp nhận nhiều tín hiệu vui khi mặt hàng măng cụt đã được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, vải thiều Bắc Giang đã được đưa sang Australia... Tương lai là những loại trái cây đặc sản khác như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt sẽ sớm gia tăng được khối lượng sau khi được các thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... phê duyệt”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết.


Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Công ty Hoàng Phát (Châu Thành, Long An) Ảnh: KIẾN VĂN

Hiện trái cây trong nước đã thỏa mãn điều kiện nhập khẩu khắt khe của nhiều nước. Ngành chức năng đang đàm phán đưa xoài, vú sữa sang thị trường Mỹ. Tại thị trường Australia, trái vải đã thâm nhập thành công và trong tương lai gần sẽ là xoài, thanh long. Còn tại Nhật, sau quá trình đàm phán gian nan, xây dựng thành công quy trình xử lý dịch hại, trái xoài và thanh long đã được đến tay người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu) ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhận định: Thị trường trái cây xuất khẩu đang tốt, mở ra nhiều cơ hội. Sản phẩm an toàn là tiêu chuẩn đầu tiên khi xuất khẩu. Tiêu chuẩn thị trường Mỹ hay EU và những nước khác đều cần sản xuất theo GlobalGAP hay VietGAP. Riêng thị trường Mỹ sẽ loại hẳn những loại trái cây sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm, nằm ngoài danh sách cho phép sử dụng của Mỹ.

Hình thành chuỗi giá trị tiêu thụ rau quả 

Trong quy hoạch phát triển cây ăn trái, Bộ NN-PTNT chú trọng đến 12 loại chủ lực gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung dự kiến đến năm 2020 là 257.000ha, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn trái ở Nam bộ, trong đó vùng ĐBSCL hơn 185.000ha, vùng Đông Nam bộ 72.000ha. Theo các nhà chuyên môn, để đạt mục tiêu này, Nhà nước cần tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hợp tác với nhóm sản xuất (doanh nghiệp sẽ là chủ lực trong liên kết), có cơ chế phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho người sản xuất.


Nông dân Long An thu hoạch thanh long Ảnh: KIẾN VĂN

Tại Nam bộ thời gian qua đã hình thành nhiều vùng chuyên canh như xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang, Cần Thơ; xoài cát Chu ở Đồng Tháp; bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng; bưởi da xanh ở Bến Tre; quýt hồng Lai Vung Đồng Tháp; thanh long ở Tiền Giang, Long An; vú sữa Lò Rèn Tiền Giang; dứa Queen Tiền Giang, Kiên Giang và Hậu Giang. Bên cạnh đó, chất lượng, năng suất trái cây cũng cải thiện, tăng lên nhờ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành được một số vùng chuyên canh đặc sản hàng hóa tập trung. 

Tuy nhiên, hạn chế lớn trong sản xuất trái cây của Việt Nam vẫn là quy mô canh tác còn nhỏ, manh mún, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa cao. Trong khi đó, rào cản lớn nhất đối với trái cây Việt Nam là những quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Khi Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, lộ trình thuế suất giảm dần là cơ hội cho Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật tăng lên. 

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cần phải thực hiện các biện pháp cơ bản như diệt khuẩn bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt, phải trồng và chăm sóc theo các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP. Mặt khác, phải quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng xuất khẩu, đảm bảo xuất xứ địa lý của nhà vườn theo quy định. Điều này không chỉ liên kết để sản xuất hàng hóa lớn mà khi hợp tác xã liên kết với siêu thị, doanh nghiệp sẽ hình thành những chuỗi giá trị tiêu thụ rau quả trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. 

HÀM LUÔNG - PHAN THỊ/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn