Trong mọi trường hợp phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Cập nhật ngày: 04/04/2023 05:58:35
Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những kết luận quan trọng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 3/4 (Ảnh: VIẾT CHUNG)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các báo cáo và ý kiến tại hội nghị, cho rằng tình hình kinh tế - xã hội quý 1 nhìn chung có xu hướng tích cực, đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các khó khăn, thách thức còn nhiều. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, lạm phát cơ bản quý 1 tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động tình hình trong nước. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, một số trung tâm công nghiệp lớn tăng trưởng sụt giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cần các biện pháp xử lý tích cực hơn..
Thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế còn phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa. Trong khó khăn, phức tạp, cần giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, quyết tâm cao hơn, sáng tạo hơn; nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đặc biệt không để lãng phí thời gian, chủ động, kịp thời giải quyết công việc.
Thủ tướng nêu rõ, trong mọi trường hợp phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.
Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình bên trong và bên ngoài; tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò tích cực hơn của các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém; rà soát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở, nhất là gói 120.000 tỷ đồng; đề xuất các cấp có thẩm quyền giải pháp cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ…
Bộ Xây dựng thực hiện tốt Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, góp phần giải quyết những khó khăn của thị trường bất động sản. Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải đi từng địa phương, rà soát từng dự án, từng doanh nghiệp, từ việc giải quyết tại các dự án, địa phương cụ thể để nhân rộng.
Thủ tướng tán thành đề xuất của Bộ KH-ĐT về việc các địa phương thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh thành phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì nhiệm vụ chung, nỗ lực phấn đấu thực hiện bằng được, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đã giao.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế đã cơ bản tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang bị, vật tư y tế, hoạt động của các bệnh viện cơ bản đã trở lại bình thường. Nhiều vấn đề liên quan thanh toán chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, tiếp nhận các trang thiết bị, vật tư được hiến tặng… cũng được giải quyết. Đến nay, đã có 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn. Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng bệnh viện đã được “hồi sinh”.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; 58/63 địa phương tăng trưởng dương, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1 tăng 3,7% so với cùng kỳ. Số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ với tổng vốn đạt 3,4 tỷ USD (bằng cùng kỳ năm 2022)..
|
Theo PHAN THẢO (SGGP)