Việc hệ trọng trong phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 22/08/2015 04:34:09

Tại Hội thảo về phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL trong 5 năm tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng việc hệ trọng của vùng là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất để dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thành Chung

Hội thảo  do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ KH&ĐT, UBND Thành phố Cần Thơ và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp tổ chức diễn ra vào sáng 21/8.

Tham dự Hội thảo là lãnh đạo UBND các tỉnh, thành trong vùng, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp.

Chưa phát huy được lợi thế vùng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức khá, bình quân của vùng ước đạt 8,87%/năm. Nông nghiệp phát triển ổn định, giữ vững vai trò vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

Tính đến hết năm 2014, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 69% sản lượng thủy sản cả nước; đóng góp trên 90% lượng lúa gạo và 60% lượng thủy sản xuất khẩu.

Xuất khẩu của toàn vùng tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 12,3 tỷ USD, bằng 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, gấp 1,31 lần so với năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,7%/năm. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm nhanh, từ 7,4% năm 2013 xuống còn 5,7% năm 2014 và dự kiến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 4,5%.

Tuy nhiên, tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng kinh tế, xã hội của vùng vẫn còn không ít hạn chế. Nổi lên là các vấn đề như cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, thu hút vốn FDI kém hiệu quả. Tính đến cuối năm 2014, tổng số vốn đăng ký FDI còn hiệu lực chỉ đạt trên 12 tỷ USD, chiếm 4,8% so với cả nước.

Thu nhập của nông dân bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Doanh thu du lịch toàn vùng chỉ chiếm 3% doanh thu của cả nước.

Các ý kiến cũng cho rằng, mối liên kết sản xuất trong vùng chưa được xây dựng chặt chẽ từ khâu sản xuất tới tiêu thụ, thương hiệu sản phẩm chưa được doanh nghiệp, chính quyền quan tâm xây dựng nên không phát huy được giá trị sản phẩm nông nghiệp của vùng.

Bên cạnh đó là một loạt các vấn đề về nguồn nhân lực yếu kém không thể phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng như các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản...

Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông liên vùng đã và đang được đầu tư phát triển sẽ là động lực để phát triển hơn nữa sản xuất và thương mại. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, vẫn còn thiếu, tiếp tục là cản trở đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL.


Ngân hàng BIDV ký kết gói tín dụng có giá trị hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, du lịch trên địa bàn trong giai đoạn từ nay tới năm 2020. Ảnh: VGP/Thành Chung

Cần phải làm nhiều hơn

Trao đổi với các đại biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết trước đây đã có một số hội thảo liên quan tới phát triển kinh tế, xã hội của ĐBSCL và đặt ra những kiến nghị cho sự phát triển của vùng. Chính phủ, các tỉnh, thành phố cũng đã triển khai được một phần nhưng chưa được nhiều và bây giờ cần phải làm nhiều hơn nữa.

Nhận định về những khó khăn của vùng, Phó Thủ tướng cho rằng hạ tầng cơ sở trước nay chỉ phục vụ cho nghề trồng lúa, trong khi hiện giờ vùng đang đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên hạ tầng cơ sở cũng phải thay đổi để phục vụ cho các ngành nghề khác nhau.

Hơn nữa, không chỉ hạ tầng kinh tế mà cần phát triển đồng đều hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa... và kết nối được hệ thống này với nhau để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Theo Phó Thủ tướng, việc hệ trọng của vùng là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tổ chức lại sản xuất để chuyển lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân. Đi liền với đó là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao và quy mô lớn để tạo ra giá trị sản xuất cao hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các tỉnh, thành tích cực nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, "nhiều khi không nhất thiết phải dồn điền đổi thửa mới làm ăn hiệu quả. Có nơi kinh tế hộ vẫn tồn tại như ở Đà Lạt, nhưng họ liên kết lại trong một hợp tác xã, trồng hoa đảm bảo đúng tiêu chuẩn, yêu cầu của nơi tiêu thụ nên vẫn cho giá trị trung bình khoảng 3 tỉ đồng/ha/năm. Hay thông qua hợp tác xã, mỗi hộ nuôi lợn có khi chỉ có 20 con thôi nhưng quy trình giống nhau thì có sản phẩm giống nhau để đạt chất lượng đồng đều”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh, thành trong vùng nghiên cứu các giải pháp đa dạng hóa nguồn lực đầu tư từ tư nhân và xã hội. Chính phủ cũng đang tiến hành sơ kết việc huy động vốn xã hội hóa để bộ máy chính quyền thực hiện công việc này hiệu quả hơn.

Thành Chung (Chinhphu.vn)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn