Việt Nam - Campuchia tình nghĩa keo sơn, gắn bó
Cập nhật ngày: 06/01/2017 10:52:56
38 năm trôi qua, nhưng tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia vẫn mãi bền chặt.
Ngày 7/1/1979 đã đi vào mốc son lịch sử của đất nước Campuchia. Đó là ngày mà quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia đứng lên đánh tan tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Sampone, giải phóng Phnom Penh, xóa bỏ chế độ diệt chủng, xây dựng lại xã hội mới cho nhân dân Campuchia.
Sinh ra và lớn lên tại đất nước Campuchia trong thời hòa bình, Cheng Sofheak cũng như nhiều bạn trẻ khác đang có một cuộc sống tốt đẹp và đủ đầy. Họ vẫn luôn được ông bà, cha mẹ kể lại những năm tháng sống trong mất mát, đau thương mà chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Sampone gây ra.
Trong những câu chuyện ấy, Cheng Sofheak luôn được cha mẹ nhắc đến tình cảm đối với quân tình nguyện Việt Nam. Cha mẹ Cheng Sofheak bảo: Phải nhớ ơn quân tình nguyện Việt Nam, nếu không có sự giúp đỡ của họ thì ông bà, cha mẹ và nhiều người Campuchia không có cuộc sống như hôm nay.
Ấn tượng bởi tình cảm và con người Việt Nam, Cheng Sofheak ao ước được sang Việt Nam học tập và điều ước ấy đã thành hiện thực, Cheng Sofheak đang là sinh viên năm thứ 2 Trường sỹ quan kỹ thuật Quân sự đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cheng Sofheak tâm sự: “Từ nhỏ em luôn được bố mẹ nhắc nhở phải nhớ ơn bộ đội Việt Nam đã cứu nhân dân Campuchia ra khỏi chế độ diệt chủng. Khi sang TPHCM học tập, em cố gắng học và trau dồi tiếng Việt để gần gũi thêm, mọi người ở đây thân thiện và tốt lắm. Em cố gắng học sau này góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp của hai nước”.
Đó là chuyện của thế hệ trẻ Campuchia ngày nay khi nói về sự kiện ngày 7/1/1979. Còn với Đại tá Phạm Văn Hiền, nguyên là cán bộ phòng Chính trị, Đoàn 7708 Quân khu 7, thì thời gian làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia gần 10 năm đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Sau khi Phnom Penh được giải phóng, ông và đồng đội được giao nhiệm vụ quân quản tại thành phố này. Lúc ấy Phnom Penh không có một bóng người, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân đội và các lực lượng nước bạn khôi phục lại điện, nước, bảo vệ các cơ sở trọng yếu, rồi tuần tra, canh gác, hướng dẫn, đón và bảo vệ an toàn những người dân khắp nơi từ biên giới Campuchia-Thái Lan trở về thành phố để khôi phục lại cuộc sống.
Người dân Campuchia lúc ấy rất khó khăn, thiếu thốn, họ được bộ đội Việt Nam giúp đỡ rất nhiều, từ miếng ăn, nước uống, quần áo mặc, vì vậy lúc nào họ cũng biết ơn quân tình nguyện Việt Nam.
Đại tá Phạm Văn Hiền nói: “Họ nói là nếu không có bộ đội Việt Nam thì họ chắc chắn không thể sống trở về an bình, nên họ rất cảm phục. Họ coi bộ đội Việt Nam như con em của bà con Campuchia. Họ coi bộ đội Việt Nam như ân nhân cứu mạng của họ và coi bộ đội Việt Nam như bộ đội nhà Phật Campuchia”.
Kỹ sư Nguyễn Văn Triệu, nguyên là chuyên gia Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia sau ngày giải phóng Phnom Penh tự hào: Ông là một trong những chuyên gia của Việt Nam sang Campuchia giúp đỡ người dân nước bạn nuôi cá, khảo sát thành lập các tổ sản xuất nghề cá... Ông phải tự học tiếng Campuchia để giao tiếp gần gũi với bà con, rồi cùng ăn, cùng ngủ với nông dân Campuchia trong những ngày khó khăn đó để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Đặc biệt, một số cán bộ được ông hướng dẫn về kỹ thuật chuyên môn đã cố gắng rèn luyện, phấn đấu, nay trở thành cán bộ cao cấp của Chính phủ, Quốc hội Hoàng gia Campuchia. Hiện nay với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia Thành phố Hồ Chí Minh, ông cùng với các thành viên của Hội tiếp tục gắn kết mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc, hai đất nước.
Ông Nguyễn Văn Triệu bày tỏ: “Nhân dân Campuchia rất hiền hòa, hiếu khách, cùng giúp đỡ cho chúng tôi để cùng chung tay xây dựng lại một đất nước tan hoang, phải từ con số 0 đi lên. Tình cảm của nhân dân Campuchia anh em và cán bộ Campuchia đối vối chúng tôi hết sức tha thiết, hết sức sâu sắc, gắn bó. Đó là tà sản vô giá giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia”.
Thủ tướng Hoàng gia Campuchia Samdec Hun Sen
38 năm trôi qua, tình cảm gắn bó giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia ngày càng tốt đẹp. Thủ tướng Hoàng gia Campuchia Samdec Hun Sen trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây đã thăm lại di tích lịch sử Đài tưởng niệm Long Giao ở Đồng Nai.
Đây là nơi mà gần 40 năm trước với sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư của Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam và nhân dân tỉnh Đồng Nai, 200 cán bộ, chiến sĩ Campuchia đã tập hợp nhau lại dưới sự chỉ huy của Samdec HunSen, lập nên Đoàn 125 – tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia.
Tại khu di tích lịch sử này, Thủ tướng Hun Sen đã cảm ơn Đảng, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia xây dựng quân đội và giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Rất nhiều quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh để cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary. Người dân Campuchia không bao giờ quên điều này.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định: Việt Nam-Campuchia là những nước láng giềng tốt và quan hệ trên mọi lĩnh vực. Quan hệ này được ví như môi với răng vậy. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh:“Trước tiên tôi xin nói rằng quan hệ này rất tốt, chúng ta cần phải làm cho quan hệ này ngày càng tốt hơn nữa. Trong đó có quan hệ về chính trị giữa Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Cộng sản Việt Nam, giữa Chính phủ của 2 nước, giữa quân đội và nhân dân 2 nước, phải quan tâm giữ gìn vun đắp và làm cho các quan hệ này ngày càng tốt hơn, qua sự phát triển”.
Thủ tướng Hun Sen cũng mong muốn: Việt Nam và Campuchia phải làm sao để cho các thế hệ thanh niên của hai nước tiếp tục sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha ông đi trước; cùng nhau đoàn kết, hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và ngăn chặn mọi hành vi gây mất ổn định và chia rẽ giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Cao Thoa/VOV