Việt Nam đang xem xét thời điểm thích hợp để kiện Trung Quốc
Cập nhật ngày: 04/07/2014 06:30:00
Thời điểm thích hợp là thời điểm sẽ mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất để đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Trong cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức chiều 3/7, bên cạnh việc thông tin về các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã dành phần lớn thời gian để trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan đến tình hình, diễn biến tại Biển Đông thời gian qua.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết “Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ, báo cáo lãnh đạo cấp cao xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế”. Vậy việc khởi kiện này sẽ diễn ra vào thời điểm nào?
Ông Lê Hải Bình cho biết: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông. Biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, văn minh được Hiến chương của Liên Hợp Quốc ủng hộ, vì vậy Việt Nam không loại trừ sử dụng các biện pháp pháp lý. Như các lãnh đạo của Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam đang cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm.
Ông Lê Hải Bình cũng khẳng định: Thời điểm thích hợp là thời điểm sẽ mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất để đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc tiếp sau khi công bố bản đồ 10 đoạn “nuốt” gần trọn Biển Đông, Trung Quốc lại tiếp tục công bố luật mới có hiệu lực từ ngày 1/8, theo đó quân đội Trung Quốc có quyền ngăn chặn ngư dân nước ngoài vào vùng biển cấm mà Trung Quốc đơn phương đặt ra? Các cơ quan chức năng của Việt Nam có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân?
Ông Lê Hải Bình cho biết: Việt Nam đặc biệt quan tâm đến luật chống xâm nhập của quân đội Trung Quốc vừa được ban hành. Mọi hoạt động và động thái của các bên liên quan ở Biển Đông cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan ở Biển Đông; không làm phức tạp thêm tình hình, không ảnh hưởng đến hòa bình ổn định cũng như các hoạt động dân sự bình thường trong khu vực.
“Chính phủ Việt Nam từ trước tới nay luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân hoạt động tại các ngư trường truyền thống của mình ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Về câu hỏi của phóng viên Dân trí đề nghị cho biết trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Phillippines, hai bên có trao đổi gì về khả năng kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế về việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ hay không? Ông Lê Hải Bình cho biết: Kết quả chuyến thăm của Việt Nam của Ngoại trưởng Philippines đã được báo chí trong nước và quốc tế thông tin đầy đủ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã trao đổi sâu rộng về các biện pháp nhằm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác song phương cũng như các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước hướng tới đối tác chiến lược.
Về tình hình khu vực và quốc tế, hai bên cũng đã trao đổi tập trung vào hợp tác trong ASEAN cũng như vấn đề Biển Đông. Theo đó hai bên khẳng định tiếp tục cùng với các nước ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, đề cao đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực cũng như trong cấu trúc khu vực, thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển ở khu vực.
Hai bên cũng đã cùng nhau yêu cầu chấm dứt các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kêu gọi thực hiện kiềm chế nhằm giảm căng thẳng và không gây phức tạp thêm tình hình; bảo đảm thực hiện nghiêm túc DOC song song với việc đẩy mạnh quá trình thảo luận thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Về câu hỏi đề nghị cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam ký Hiệp định nước chủ nhà với Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA)? Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế thì việc ký Hiệp định này có tác động như thế nào với vụ kiện của Việt Nam? Ông Lê Hải Bình cho rằng: Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế. Việt Nam đang tích cực tham gia vào các diễn đàn, các cơ chế quốc tế ở khu vực cũng như trên thế giới. Chính vì vậy, việc ký kết hợp tác vừa rồi với PCA là một trong những bước đi nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về hội nhập quốc tế.
Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết về thông tin máy bay trinh sát Mỹ bay trên khu vực giàn khoan Hải Dương – 981 và thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, ông Lê Hải Bình cho biết đang đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam xác định rõ thông tin này. Ông Lê Hải Bình cũng cho biết, cho đến nay cộng đồng quốc tế bao gồm các nước trong khu vực và các nước có liên quan đều lên tiếng ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt căng thẳng, không có các hành động hung hăng, ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Về thông tin Trung Quốc công bố cảnh báo bão ở toàn bộ khu vực Biển Đông, ông Lê Hải Bình cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng vùng cảnh báo bão trùm toàn bộ Biển Đông cũng không thể thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền phong đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Nhật Bản mới đây đã thông qua việc diễn giải lại Hiến pháp trong đó cho phép Nhật Bản đưa quân đội ra nước ngoài và hỗ trợ đồng minh trong trường hợp bị tấn công, ông Lê Hải Bình cho biết: Việt Nam quan tâm đến thông tin này. Việt Nam hy vọng rằng Nhật Bản với tư cách là một quốc gia có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc báo chí Nhật Bản đưa tin, Ngoại trưởng Nhật Bản sắp thăm Việt Nam, vậy chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm nào và nội dung chuyến thăm là gì?, ông Lê Hải Bình cho biết: Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản đang được hai bên tích cực thu sếp vào một thời điểm hợp lý. Theo tôi được biết, chuyến thăm nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt sau khi hai bên đã chính thức nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 3/2014. Hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà cả hai cùng quan tâm.
Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng tại Iraq hiện nay, ông Lê Hải Bình cho biết: Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình bạo lực gia tăng hiện nay tại Iraq. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế cũng như của chính quyền Iraq nhằm sớm khôi phục sự ổn định, đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, vì hòa bình và ổn định của khu vực.
Nguyễn Hùng/VOV