Tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác thi hành án dân sự giai đoạn 2013 - 2016
Cập nhật ngày: 05/08/2013 04:13:05
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác thi hành án dân (THADS) trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, công việc năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Thế nhưng so với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ trong tình hình mới thì công tác THADS của tỉnh còn một số hạn chế và bất cập.
Để giải quyết những vấn đề còn hạn chế, bất cập của công tác THADS trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 6 thống nhất thông qua nghị quyết về chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS giai đoạn 2013 - 2016. Theo đó, các cơ quan THADS trong tỉnh tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành theo quy định của pháp luật, nhất là các vụ việc kéo dài nhiều năm. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả, vượt các chỉ tiêu thi hành án về việc, về tiền, về tỷ lệ, giảm số vụ chuyển sang năm sau do Bộ Tư pháp giao hàng năm.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án, các cơ quan THADS trong tỉnh không nên chỉ quá chú trọng đến thực hiện các chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao, mà phải quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người được thi hành án, tránh trường hợp chọn lựa án dễ thi hành để đạt chỉ tiêu thi hành án.
Bên cạnh đó, các cơ quan THADS cần ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phải đảm bảo sự chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, không để xảy ra tình trạng án có điều kiện thi hành chuyển sang án chưa có điều kiện thi hành.
Trong giai đoạn 2013 - 2016, ngành THADS thực hiện trong toàn ngành việc công khai kết quả THADS từng giai đoạn của từng vụ, việc thi hành án để nâng cao vai trò, trách nhiệm của chấp hành viên trong công tác thi hành án và cũng để người được thi hành án theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thi hành án. Bên cạnh đó, thực hiện việc đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra hoạt động nghiệp vụ trong nội bộ ngành, chú trọng việc kiểm tra về quản lý thu tiền thi hành án của chấp hành viên, tránh trường hợp đã thu tiền thi hành án xong nhưng chậm nộp, chậm chi trả cho người được thi hành án.
Ngoài ra, do hiện trạng tổ chức bộ máy, cán bộ ở các cơ quan THADS trong tỉnh chưa được đồng bộ cũng như chưa đồng đều về chất lượng, còn thiếu biên chế của ngành nên kết quả công tác đạt được chưa cao. Do đó, việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, chấp hành viên, công chức của Cục và các Chi cục THADS trong tỉnh là nhiệm vụ được đặt ra trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ quan THADS trong tỉnh cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức trong đơn vị mình phụ trách, kiên quyết không để xảy ra tình trạng chấp hành viên, cán bộ vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở địa phương tham gia vào công tác THADS, các Ban chỉ đạo THADS cấp tỉnh, cấp huyện cần được kiện toàn, củng cố; các Ban chỉ đạo THADS cần kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động thi hành án. Song song đó, phải thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết xong từ 90% trở lên các đơn thư khiếu nại, tố cáo về công tác tiếp nhận trong năm.
Thực hiện tốt những nhiệm vụ công tác trên sẽ tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác THADS, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thanh Trúc