“Huyền khúc Đồng Tháp Mười”: khúc hát bay bổng, rạo rực về quê hương

Cập nhật ngày: 10/04/2013 05:12:35

Tập thơ Huyền khúc Đồng Tháp Mười gồm 154 bài thơ của 46 tác giả Đồng Tháp vừa được Hội Nhà văn và Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp phối hợp xuất bản. “Huyền khúc Đồng Tháp Mười” không chỉ mang âm hưởng trầm ấm, miên man về nhân tình thế thái, hay chất chứa những xuyến xao, ray rứt về nỗi niềm khát vọng mang tính bản thể, mà còn là khúc ca du dương, bay bổng, rạo rực về vùng đất và con người Đồng Tháp.


Tuyển tập thơ Huyền khúc Đồng Tháp Mười

Dù là những bài thơ thuộc thể tự do hay lục bát nhưng tất cả đều chan chứa những hình ảnh thân thương về vùng đất sen hồng. Trong bài “Tháp Mười” Nguyễn Giang San gợi nên trong ta một miền quê hiền hòa, tươi đẹp: “Giấc mơ nào ta chẳng gọi tên em/Tháp Mười ơi những mùa sen hồng nở/Dòng sông xưa vẫn bên bồi bên lở/Em thiệt thà như cây lúa đơm bông”.

Với nhà thơ Thai Sắc, miền quê ấy còn là nơi níu kéo chân khách, để rồi: “Vùng đất hòa nắng thuận mưa/Câu hát cũ ngỡ như vừa sinh ra/Tháp Mười sen nở bao la/Hương bùn chắt dịu hồn hoa xứ nghèo” (Trích “Vùng đất ta ở lại đây”).

Trong “Huyền khúc Đồng Tháp Mười”, hình ảnh con người Đồng Tháp hiện lên thật dung dị. Đó là hình ảnh của bà mẹ nuôi bộ đội của những người dân hiền lành thủy chung giúp nhau chống lũ cứu lúa. Đó còn là hình ảnh của những cô gái trên miền sông nước, trong bài thơ “Em gái cù lao Mẻ” Lê Minh Hùng viết: “Em ở cù lao Mẻ/Mưa nắng mặc trời non nước ngược xuôi/Ghe cá, ghe hoa, sông đầy, bến đợi,/Nước giật quay về xới rẫy bắp non”.

Bằng giọng thơ ngọt ngào, nhẹ tênh nhưng “Khúc mùa quê” của Nguyễn Thị Kim Tuyến gợi bao xuyến xao hình ảnh người con gái Đồng Tháp hiền dịu mà mạnh mẽ: “Đón anh về nghe miệt đồng ơi/Theo bóng cò cỡi xuồng trên sóng/ Anh ngồi chắc nghe tay sào em chống/Con gái xứ mình không yếu đuối được đâu!”

“Huyền khúc Đồng Tháp Mười” còn lắm những bài thơ hồn nhiên với những hình ảnh mới lạ, hiện đại khi viết về đất và người Đồng Tháp như: Huyền Khúc Đồng Tháp Mười (Thai Sắc), Cây dương cầm bên bờ sông Tiền (Trần Quốc Toàn), Bước chân (Hữu Nhân), Đi ngang ngọn khói hoàng hôn (Đỗ Ký), Cộ trâu, “Gió chướng” (Lê Minh Hùng),... Tất cả như một khúc hát bay bổng, rạo rực về quê hương Đồng Tháp.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn