100% các xã của huyện Tân Hồng đều đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa
Cập nhật ngày: 22/05/2025 05:18:25

Trong những năm qua, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Tân Hồng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đặc biệt, 100% các xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của người dân vùng biên.

Các thành viên thuộc Tân Thành Hội quán tham gia sinh hoạt tại Nhà Văn hóa Ấp 2, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng (Ảnh: T.L)
Trước đây, tất cả các xã trên địa bàn huyện Tân Hồng đều chưa có Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng (VH-HTCĐ) được xây dựng riêng mà chủ yếu các hoạt động của xã được tổ chức sinh hoạt chung tại hội trường của UBND xã, Ban nhân dân ấp hoặc mượn nhà người dân. Cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình hành động, nhất là triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tân Hồng xác định cơ sở vật chất văn hóa không thể thiếu cho sự phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đến nay, toàn huyện Tân Hồng có 8/8 Trung tâm VH-HTCĐ cấp xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Chỉ riêng năm 2024, tại Trung tâm VH-HTCĐ các xã tổ chức 255 cuộc hội nghị, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị; hàng chục cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động thường xuyên các Câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, Câu lạc bộ dưỡng sinh... thu hút đông đảo người dân tham gia.
Hiện tại, toàn huyện có 30/35 ấp có Nhà văn hóa được xây dựng độc lập đạt chuẩn theo quy định; 5/35 ấp sử dụng chung với trụ sở Ban nhân dân ấp được cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn gồm: ấp Chòi Mòi (xã Thông Bình); ấp Công Tạo, ấp Cả Găng, ấp Thống Nhất, ấp Gò Da (xã Bình Phú). Mô hình Nhà văn hóa ấp kết hợp với trụ sở Ban nhân dân ấp đảm bảo tổ chức các hoạt động hội họp, các sự kiện văn hóa, thể thao của địa phương. Ngoài ra, các xã đều trang bị từ 2 - 5 bộ dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời, sân bóng đá 11 người, sân bóng đá mi ni; sân bóng chuyền; khu vui chơi cho trẻ em được lắp đặt biển hiệu chỉ dẫn, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt thể dục, thể thao của người dân.
Theo Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Tân Hồng, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn từng bước được nâng cao về cơ sở vật chất và chất lượng hoạt động. Chẳng hạn, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Các thủ tục rườm rà, lạc hậu gây tốn kém trong các đám tang, đám cưới dần được hạn chế, loại bỏ; nét đẹp văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động lễ hội được giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, góp phần giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.
Đồng thời quan tâm xây dựng con người về tư tưởng chính trị, đạo đức, nếp sống văn minh cũng như vai trò, vị trí của gia đình và cộng đồng được nâng lên; tình làng, nghĩa xóm được củng cố. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn làm phong phú đời sống văn hóa của người dân. Đến nay, toàn huyện Tân Hồng có 20.506/21.176 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt 96.83%); 35/35 ấp (đạt 100%) đạt danh hiệu “Ấp văn hóa”; 35/35 ấp xây dựng Quy ước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đạt 100%). Huyện Tân Hồng có 1 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia (Tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung thuộc địa phận xã An Phước) và 5 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng Di tích cấp tỉnh (chùa Phước Thiện, xã Bình Phú; miếu Tiền hiền Huỳnh Công Huy, xã Tân Thành A; chùa Tân Long, xã Tân Thành B; đình Ngã ba Thông Bình, xã Thông Bình; căn cứ kháng chiến Cả Trấp, xã Tân Phước).
Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa. Cùng với đó, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhất là khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất văn hóa, thể thao đã được đầu tư tại các địa phương. Các tổ chức chính trị - xã hội, chi đoàn, chi hội duy trì tổ chức sinh hoạt, hoạt động của các Câu lạc bộ tại các Trung tâm VH-HTCĐ, Nhà văn hóa ấp nhằm khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa đã được đầu tư, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân.
DŨNG CHINH