Ba gương mặt nhà thơ - nhà giáo của Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 18/11/2015 05:15:56
Vài năm gần đây, văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp, đặc biệt là thơ có những chuyển biến rõ nét, không ngừng tăng lên về số lượng tác giả và chất lượng tác phẩm. Trong đội ngũ làm thơ chuyên và không chuyên của tỉnh nhà hiện nay, có nhiều cây bút đang hoặc từng thuộc biên chế của ngành giáo dục, trong đó có thể kể đến 3 gương mặt thơ quen thuộc, tiêu biểu: Lê Minh Hùng, Hữu Phước, Nguyễn Chơn Thuần.
Nhà thơ Lê Minh Hùng (SN 1958) hiện là giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Tam Nông. Tính tới thời điểm hiện tại, nhà thơ Lê Minh Hùng đã in riêng 2 tập thơ “Hái bên đường” (năm 1994) và “Đỏng đảnh” (năm 2013). Anh đạt khá nhiều giải thưởng văn học của khu vực và Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp. Trong lời giới thiệu tập thơ “Đỏng đảnh”, nhà thơ Thai Sắc nhận xét: “Thơ Lê Minh Hùng vừa có chất tưng tửng pha trò vừa mang nét phồn thực hiện đại”. Quả thật đây là 2 nội dung cơ bản đã làm nên nét riêng độc đáo trong tác phẩm của nhà thơ này. Hãy thử đọc mấy câu sau trong bài “Thoáng em”: “Em như rượu cất mới vừa/Lưng chai đã rót mời đưa lão nghiền/Tôi từ ít nhớ thành quên/Mới ăn cà cuống đã thèm mắm cay”.
Trước khi về hưu nhà thơ Nguyễn Chơn Thuần (SN 1956) là giáo viên Trường Tiểu học Tân Thành, huyện Lai Vung. Nguyễn Chơn Thuần được xem là một trong những hội viên đa tài của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp khi có thể viết tốt ở nhiều thể loại, đặc biệt là thơ và ca cổ. Nguyễn Chơn Thuần đã ra mắt độc giả 3 tập sách gồm: Nhịp song loan (thơ 1996), Bình minh trên vùng đất mới (ca cổ 2004), Khơi lòng (thơ 2010). Dấu ấn đậm nét trong tác phẩm của anh là việc hiện đại hóa hình thức thơ lục bát truyền thống. Cấu trúc 6 - 8 quen thuộc ở nhiều bài lục bát được anh phá vỡ một cách có chủ ý, thay vào đó là cấu trúc vắt dòng theo dòng chảy tự nhiên của cảm xúc. Tiêu biểu có thể kể đến bài thơ “Tím sắc hoa cà”: “Hoa cà/tím ngát/đợi chờ/Tím trên/trang vở/tuổi thơ/học trò/Tím màu áo tím/bây giờ/Tím hồn tôi/Tím màu thơ/Tím đời”.
Nữ nhà thơ Hữu Phước tên thật là Nguyễn Phước Hiểu (SN 1958) tại Sa Đéc. Chị đã có một khoảng thời gian rất dài gắn bó với môi trường sư phạm khi là giảng viên khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Trường Đại học Đồng Tháp trước khi về nghỉ hưu cách đây 2 năm. Nhà thơ Hữu Phước cũng là một trong những giảng viên có công sáng lập và từng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học và sáng tác trẻ, nơi được xem là vườn ươm, là mái nhà chung cho nhiều cây bút trưởng thành từ phong trào sáng tác của sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp. Có dịp đọc Trăng quê (năm 2003), Gọi mình (năm 2011) và Nỗi nhớ thời gian (năm 2014) - 3 tập thơ in riêng của nhà thơ Hữu Phước ta dễ dàng nhận ra ở đấy có nhịp đập của một trái tim đa cảm, chân thành trong tình yêu. Và ở đó còn có những kỉ niệm đẹp gắn liền với ghế đá, hàng cây, mái trường, bục giảng, hình ảnh của con đường làng, bến sông quê, gương mặt đổi thay từng ngày của Sa Đéc: “Rộn ràng ngày giáp tết/Làng hoa góp cho đời/Những niềm vui náo nức/Lên xe đi muôn nơi” (Làng hoa Tân Quy Đông).
Bằng những gì đã đóng góp cho diện mạo và sự phát triển chung của VHNT tỉnh nhà, có thể xem những nhà giáo - nhà thơ như Lê Minh Hùng, Nguyễn Chơn Thuần, Hữu Phước thực sự vừa là những người kĩ sư tâm hồn vừa là người nghệ sĩ đích thực của ngôn từ. Chính họ đã góp phần tô đẹp thêm cho hình tượng người thầy trong mắt bao thế hệ học trò hôm nay và mai sau.
Nguyễn Giang San