Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa

Cập nhật ngày: 09/10/2013 04:51:51

Đến tháng 9/2013, Đồng Tháp có 64 di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH), trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt (Gò Tháp), 13 di tích cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh.


Lễ khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Ngoài ra, còn có 27 địa điểm đang được thẩm định đưa vào danh mục quản lý để tiến hành lập hồ sơ khoa học, trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích giai đoạn 2013-2015. Trong 64 DTLSVH, cấp tỉnh quản lý 7 di tích (1 di tích quốc gia đặc biệt; 4 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh), cấp huyện, thị, thành phố quản lý 57 di tích.

DTLSVH đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, thể hiện bản sắc văn hóa lịch sử dân tộc, phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư thông qua hoạt động lễ hội, tham quan du lịch, giáo dục truyền thống, nghiên cứu khoa học, điều kiện cho sự giao lưu, hội nhập, góp phần phát triển kinh tế-văn hóa xã hội tỉnh nhà. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH là vô cùng quan trọng.

Những năm qua (nhất là giai đoạn 2010-2013), công tác trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh được Trung ương, tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố quan tâm. Nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo với nguồn vốn lớn (trong đó ngoài nhà nước, còn có tổ chức và cá nhân đóng góp).

Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp được đầu tư 44,7 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển của Chính phủ 32 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích 7,6 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển của tỉnh 5,1 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm còn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng từ tiền công đức qua 2 kỳ lễ hội) để thực hiện các công trình bảo tồn, tôn tạo di tích như: mái che nền tháp cổ Gò Minh Sư, hệ thống hạ tầng đường, điện, nhà vệ sinh, hệ thống cấp nước, khai quật khảo cổ học...

Di tích cấp quốc gia Khu mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh) được đầu tư 106 tỷ đồng cho 19 hạng mục công trình (vốn Trung ương 50 tỷ đồng, vốn tỉnh 30 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 26 tỷ đồng).

Các di tích cấp quốc gia: Đình Long Khánh (Hồng Ngự) được đầu tư 11 tỷ đồng (trong đó vốn xã hội hóa 7,1 tỷ đồng); Di tích Xẻo Quít (Cao Lãnh) 2 tỷ đồng; Đền thờ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng (Thanh Bình): 4,5 tỷ đồng; chùa Bửu Hưng (Lai Vung) 2,5 tỷ đồng, đình Phú Hựu (Châu Thành) 1 tỷ đồng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc) 500 triệu đồng. Các DTLSVH cấp tỉnh cũng được đầu tư như Tòa hành chánh tỉnh Sa Đéc 3,4 tỷ đồng; đền thờ Ông, Bà Đỗ Công Tường (TP.Cao Lãnh) gần 15 tỷ đồng từ vốn xã hội hóa... Các hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả trong giáo dục truyền thống và phát triển du lịch, dịch vụ... Riêng di tích cấp quốc gia Khu mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lượng khách tăng gấp 2 lần so với khi chưa được đầu tư và có khả năng tăng hơn nhiều trong thời gian tới.

Song song với trùng tu, tôn tạo, công tác quản lý, bảo vệ, giữ gìn DTLSVH cũng được các ngành, địa phương nơi có di tích quan tâm thực hiện. Việc tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ di tích được chú trọng bằng các biện pháp như xây dựng quy chế phối hợp, đưa nội dung bảo vệ và phát huy giá trị di tích vào quy ước, hương ước, giao tổ tự quản phối hợp với công an, dân quân xã, phường bảo vệ di tích. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm di tích... Nhờ vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không có DTLSVH bị xâm hại, lấn chiếm nghiêm trọng phải xử lý bằng những quy định của pháp luật.

TD

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn