PGS, TS Nguyễn Văn Huy:

Cần bình tĩnh nhìn nhận lễ hội chọi trâu từ nhiều khía cạnh

Cập nhật ngày: 07/07/2017 06:25:46

Sự cố trâu húc chết người trong cuộc đấu vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn khiến dư luận không khỏi bàng hoàng đau xót. Ngay sau sự cố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu tạm dừng lễ hội này để xem xét lại sự việc. Tai nạn hy hữu này một lần nữa đặt ra câu hỏi: có nên duy trì những lễ hội truyền thống có yếu tố bạo lực như chém lợn, đâm trâu? Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, cần phải hết sức bình tĩnh, xem xét một cách khách quan, cầu thị và nhìn nhận toàn diện trên nhiều khía cạnh khác nhau để tìm ra lời giải.

Cần tính đến khía cạnh pháp luật trong quản lý lễ hội

- Thưa PGS, TS Nguyễn Văn Huy, xin ông cho biết quan điểm về sự cố trong vụ trâu húc chết chủ trong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua?

- Tôi có xem những hình ảnh về vụ việc này qua truyền hình, phải nói là một thảm họa. Có lẽ cảm xúc này không chỉ dừng lại ở phía chúng ta, những người đồng bào cùng với nạn nhân, mà cũng gây một cảm xúc rất mạnh đối với quốc tế, nhất là đối với những người làm di sản. Đó là điều rất đáng tiếc, rất đau thương.

Từ những sự việc như thế này, chúng ta phải nhìn nhận, nhưng phải trong một tâm thế rất bình tĩnh, không thể bằng cảm xúc mà vội vã đề xuất những giải pháp hoặc tả, hoặc hữu. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hết sức bình tĩnh và cần có một thời gian thích đáng để thảo luận vấn đề này một cách hết sức khách quan, cầu thị và nhìn nhận mọi việc một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Cần nhìn nhận pháp lý là khía cạnh vô cùng quan trọng. Hoạt động lễ hội chọi trâu được cấp chính quyền cấp phép, nhưng khi có sự cố xảy ra, ai chịu trách nhiệm: con trâu, chủ trâu, ban tổ chức, hay người cấp phép? Rõ ràng là không chỉ là chủ trâu, chủ trâu chỉ là người tham gia. Tổ chức đứng ra tổ chức hội, vận động người ta tham gia thì phải có trách nhiệm như thế nào?

Theo ông, nhà quản lý và địa phương cần làm gì sau những sự cố như thế này, thưa ông?

- Tôi cho rằng, để đưa ra được những giải pháp thỏa đáng trong năm tới và những năm sau, chắc rằng ngành văn hóa cũng như Hải Phòng phải có một đề án nghiên cứu rất khẩn trương, rất cấp bách, mang tính khoa học cao và phải toàn diện ở nhiều khía cạnh: lịch sử, tính văn hóa, cả quá trình phát triển, phục hồi, quá trình đưa lễ hội chọi trâu trở lại xã hội đương đại, có quy mô lớn như hiện nay, lễ hội đó thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng ở Đồ Sơn, hay đã vượt qua tất cả những điều này để thực hiện mục đích khác… Phải có đánh giá thực sự khách quan.

Nhưng ở một bình diện khác, lại phải nghiên cứu với một cái nhìn mới, một cách tiếp cận mới trong xã hội đương đại hiện nay. Đó là đặt lễ hội chọi trâu này trong vấn đề bạo lực như thế nào, đặt trong pháp luật và tâm lý về bạo lực, pháp luật và tâm lý đạo đức đối với động vật hoang dã không phải trong bình diện của truyền thống mà cần phải đặt trong bình diện đạo đức, tâm lý và xu hướng của thế giới, của xã hội văn minh.

Chúng ta cũng phải xem xét lễ hội này về mặt pháp luật theo khía cạnh an toàn, an ninh, điều lâu nay chúng ta thiếu. Không hề có một ràng buộc hay quy định về pháp luật nào nếu hoạt động lễ hội này gây ra mất an toàn cho xã hội, hay những sự cố chết người như vậy.

Cần nhìn nhận pháp lý là khía cạnh vô cùng quan trọng. Hoạt động lễ hội chọi trâu được cấp chính quyền cấp phép, nhưng khi có sự cố xảy ra, ai chịu trách nhiệm: con trâu, chủ trâu, ban tổ chức, hay người cấp phép? Rõ ràng là không chỉ là chủ trâu, chủ trâu chỉ là người tham gia. Tổ chức đứng ra tổ chức hội, vận động người ta tham gia thì phải có trách nhiệm như thế nào? Cho nên điều này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu liên ngành: lịch sử, văn hóa, dân tộc học, nhân học, tư pháp, pháp luật, công an…

Kinh nghiệm từ các nước

- Dường như cách ứng xử của nhà quản lý về các lễ hội liên quan đến bạo lực còn lúng túng, và theo ông vai trò của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong việc đưa ra những nghiên cứu thuyết phục trong các lễ hội bạo lực nói chung này như thế nào?

- Rõ ràng việc phục hồi, khôi phục lễ hội có vai trò quan trọng từ các nhà nghiên cứu. Vấn đề ở đây là chúng ta còn thiếu những nghiên cứu thật sâu sắc, thật cơ bản, nghiên cứu một cách vững chắc trên nhiều bình diện khác nhau, đặc biệt là trên bình diện pháp luật, tâm lý và đạo đức đương đại. Chúng ta vẫn thường nhìn quá thiên về truyền thống, về di sản mà không đặt di sản đó đúng trong bối cảnh của xã hội đương đại hiện nay, trong bối cảnh quốc tế hội nhập. Bây giờ không thể có việc chúng ta ở nhà đóng cửa bảo nhau, không ai biết, mà giờ bất kỳ cái gì cũng có thể đưa lên mạng và chỉ trong nháy mắt là cả thế giới biết đến và quan tâm.

Từ lễ hội này, chúng ta cũng phải nhìn rộng ra trên thế giới, xem họ ứng xử với những loại lễ hội kiểu dạng có tính bạo lực, thiếu an toàn này như thế nào. Chúng ta phải nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, vì rõ ràng người ta cũng đã phải đối mặt với những vấn đề như vậy, cũng đã thảo luận rất nhiều, đưa ra nhiều ý kiến và giải pháp khác nhau. Thí dụ, việc đấu bò tót ở Tây Ban Nha, hiện nay người ta đã đưa thành một hoạt động mang tính nghệ thuật như làm xiếc. Luật pháp của họ quy định thế nào, nhất là với những sự rủi ro. Tôi nghe nói ở Tây Ban Nha, có những tổ chức muốn cấm đấu bò, nhưng thành phố lại cho phép. Vậy chúng ta phải xem những luận giải đó ở các nước như thế nào, rồi luận giải những vấn đề liên quan dưới sự tư vấn của UNESCO, rồi từ đó đi tìm giải pháp cho chọi trâu.

Bây giờ có cần thiết phải thay đổi những phong tục tập quán như các lễ hội có tính bạo lực, không an toàn theo xu thế chung của thế giới không? Chúng ta xử lý thế nào các vấn đề như thế này? Đi chậm một bước hay phải hội nhập theo ngay? Đây là bài toán rất hóc búa. Bản thân tôi cũng là người nghiên cứu di sản, vô cùng trân trọng di sản nhưng đôi lúc cũng phải nhìn lại, chúng ta ở đâu trên thế giới này, chứ không mình lại giữ những điều không phù hợp.

Không có cớ gì mà lễ hội chọi trâu lại lan ra khắp nơi trong thời gian qua, rất nhiều tỉnh, huyện xin tổ chức chọi trâu, tại sao, bởi vì bán được, thu được tiền…

Lễ hội nay có còn giống lễ hội xưa?

- Cũng có những câu hỏi đặt ra rằng, đối với một lễ hội truyền thống lâu đời, có nên vì một sự cố mà buộc phải thay đổi hoặc chấm dứt. Vậy ý kiến của PGS, TS như thế nào?

- Vấn đề là phải nghiên cứu cơ bản để đánh giá tất cả các khía cạnh như, tâm lý được thua như thế nào, tính đạo đức, pháp lý, tâm linh như thế nào để làm nền tảng cho việc giải quyết dần. Bảo bỏ thì khó, nhưng có thể giải quyết dần từng bước, rồi sau này thay đổi đi cho phù hợp. Ngay cả vấn đề như trâu chọi rồi có nên giết cả hai con trâu chọi hay không? Đó là tâm lý gì, dựa trên cơ sở nào. Ở lễ đâm trâu, trước khi làm lễ, người ta có cả bài khóc con trâu, kể về cuộc sống của con trâu, cả một câu chuyện văn hóa, đạo đức khi tổ chức lễ hiến trâu. Còn ở đây, phải xem xét cả đến việc hai con trâu chọi nhau rồi đều bị giết đem bán thịt với giá rất cao. Điều này lại liên quan đến nhiều vấn đề khác: kinh doanh, dịch vụ và có nhóm lợi ích gì trong đó không. Không có cớ gì mà lễ hội chọi trâu lại lan ra khắp nơi trong thời gian qua, rất nhiều tỉnh, huyện xin tổ chức chọi trâu, tại sao, bởi vì bán được, thu được tiền. Những lễ hội phát sinh sau này đều đã bị cấm, riêng Đồ Sơn do là lễ hội truyền thống lâu đời nên vẫn còn, và cứ thế đến hẹn lại lên. Và cũng chưa có ai nghiên cứu một cách kỹ lưỡng với các khía cạnh khác nhau như đã nói ở trên, chỉ đến khi xảy ra sự cố mới xem xét.

Cho nên, khó có thể đưa ra kiến nghị nào sớm, hạn chế hoặc tạm dừng, mà hãy nghiên cứu thật kỹ, thật khách quan, đánh giá thật trung thực tất cả những khía cạnh khác nhau, nghiên cứu những thay đổi qua thời gian, xem xưa và nay khác nhau như thế nào để có lời giải cho bài toán chọi trâu Đồ Sơn, rồi từ đấy liên quan đến những lễ hội tương tự như chém lợn, đâm trâu…

- Điều này liệu có liên quan đến nhận thức của số đông công chúng, thưa PGS, TS?

- Qua thời gian, lễ hội đã có nhiều thay đổi, bị bỏ và được phục hồi, rồi đã có thêm những ý tưởng mới, những suy nghĩ mới sau khi phục hồi… Phải chăng nhiều khi người ta làm cũng để thu hút du lịch chứ chưa chắc đã vì tâm linh của cộng đồng. Mức độ vì cộng đồng, mức độ tâm linh đến đâu, mức độ thu hút du lịch đến đâu, chúng ta cũng phải xem xét cho kỹ lưỡng…

- Xin cảm ơn PGS, TS Nguyễn Văn Huy

TUYẾT LOAN thực hiện (Nhân Dân)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn