Hoạt động tại các Trung tâm văn hóa - Học tập cộng đồng

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành

Cập nhật ngày: 27/07/2016 16:21:09

ĐTO - Bên cạnh các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng (VH-HTCĐ) hoạt động khá hiệu quả, hiện nay vẫn còn không ít Trung tâm hoạt động cầm chừng, mặc dù đã được đầu tư xây dựng khang trang.


Cần tổ chức nhiều sân chơi cho trẻ

Toàn tỉnh hiện có 144/144 xã, phường, thị trấn có TTVH-HTCĐ, trong đó đã xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động 25/30 Trung tâm có trụ sở riêng, còn lại 5 Trung tâm đang xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016 gồm: Tân Nghĩa, Gáo Giồng, Hòa Long, Vĩnh Thới và Vĩnh Thạnh. Thực hiện Chương trình xây dựng TTVH-HTCĐ cấp xã giai đoạn 2016 - 2020 với việc xây dựng mới 34 TTVH-HTCĐ cấp xã, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức đợt khảo sát thực tế để xác định vị trí, quy mô diện tích quy hoạch, bảo đảm phù hợp cho từng địa điểm xây dựng. Riêng trong năm 2016, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh cho xây dựng mới 6 TTVH-HTCĐ theo kế hoạch đề ra.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Sở VH,TT&DL phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh, UBND các huyện, thị, thành tiến hành khảo sát, kiểm tra hiệu quả hoạt động của hệ thống TTVH-HTCĐ cấp xã trong toàn tỉnh, đặc biệt là các TTVH-HTCĐ đã được đầu tư xây dựng mới. Qua đợt khảo sát, đa phần các TTVH-HTCĐ cấp xã đều được đầu tư, trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động, tổ chức bộ máy quản lý, kinh phí hoạt động, cơ chế phối hợp được thực hiện đúng theo quy định của tỉnh. Nhìn chung, từ khi đưa vào hoạt động hệ thống TTVH-HTCĐ cấp xã đã dần trở thành địa điểm quen thuộc trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các buổi gặp mặt, tọa đàm, hội thảo đầu bờ về nông nghiệp, dạy nghề nông thôn, sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ ở địa phương. Việc đưa vào hoạt động TTVH-HTCĐ cấp xã trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về học tập, rèn luyện thân thể, vui chơi, giải trí và hưởng thụ văn hóa tinh thần trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh nên được đông đảo người dân nhiệt tình ủng hộ. Hầu hết thành viên Ban giám đốc TTVH-HTCĐ cấp xã cơ bản đã qua các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, đảm bảo số lượng, yêu cầu về thành phần và từng bước được kiện toàn, ổn định.

Tuy nhiên, hoạt động của TTVH-HTCĐ ở không ít địa phương vẫn còn chưa đạt hiệu quả cao. Tại các Trung tâm, hiện chỉ có 1 Phó Giám đốc Trung tâm là chuyên trách, các thành viên còn lại trong Ban Giám đốc làm việc kiêm nhiệm, vị trí công tác thường thay đổi, tính ổn định không cao, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của Trung tâm. Ban Giám đốc TTVH-HTCĐ một số xã chưa nghiên cứu sâu Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án thành lập TTVH-HTCĐ cấp xã và Quyết định về việc ban hành Quy chế mẫu về việc tổ chức hoạt động của TTVH-HTCĐ cấp xã trên địa bàn tỉnh nên công tác tham mưu, đề xuất cấp trên và quản lý hoạt động của Trung tâm chưa đạt hiệu quả. Sự phối hợp hoạt động của TTVH-HTCĐ cấp xã với các ngành, đoàn thể địa phương còn hạn chế, lúng túng, thiếu sự giám sát, kiểm tra, chỉ đạo của cơ quan cấp trên trực tiếp. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng xã hội học tập. Hoạt động của TTVH-HTCĐ cấp xã chưa phong phú, đa dạng nên chưa thu hút được người dân đến tham gia sinh hoạt vui chơi, giải trí, học tập.

Trước những khó khăn trong việc tổ chức hoạt động tại các TTVH-HTCĐ, ông Nguyễn Minh Phước - Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH,TT&DL) cho rằng, các ngành liên quan cần tập trung đưa ra giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hệ thống TTVH-HTCĐ trong thời gian tới. Đó là tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với TTVH-HTCĐ cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. Các hoạt động phải phong phú, đa dạng nhằm thu hút ngày càng đông người dân tham gia sinh hoạt. Giám đốc TTVH-HTCĐ cấp xã cần tích cực, nhiệt tình hơn trong công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy, UBND và các cơ quan chuyên môn cấp trên về hoạt động của đơn vị; tiếp tục củng cố Ban lãnh đạo Trung tâm, thành lập và duy trì các tổ chuyên môn giúp việc để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. TTVH-HTCĐ cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành ở địa phương để cùng tổ chức các hoạt động phục vụ, mở rộng công tác xã hội hóa nhằm tạo thêm nguồn thu cho đơn vị.

Được biết, toàn tỉnh hiện có gần 450 câu lạc bộ đờn ca tài tử và trên 60 câu lạc bộ hát với nhau. Bên cạnh sinh hoạt tại gia đình, quán giải khát,... nhu cầu có địa điểm sinh hoạt của các câu lạc bộ là rất lớn. Ngoài ra, hiện nay tại các khu dân cư, khu vực gần bờ sông,... chúng ta vẫn thấy nhiều trẻ em tự tổ chức các trò chơi mà không có sân chơi an toàn, trong khi đó TTVH-HTCĐ (đối với Trung tâm có trụ sở riêng) được thiết kế xây dựng với không gian rộng, thoáng cả bên trong lẫn ngoài sân Trung tâm. Trước những nhu cầu này, các ngành, đoàn thể cần có sự phối hợp chặt chẽ với TTVH-HTCĐ trên địa bàn tổ chức các sân chơi, các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương để TTVH-HTCĐ phát huy hiệu quả.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn