Chái bếp sau hè

Cập nhật ngày: 01/04/2013 04:17:10

Như một thói quen, hễ lần nào về quê là tôi a ngay vô bếp. Có một điều quan trọng mà kể ra được, tôi thấy ấm áp trong lòng quá: đó là bởi tôi biết, má tôi lúc nào cũng như ở sẵn trong bếp, chờ sẵn đứa con hay đi xa, nên mỗi lần nghe rục rịch tiếng chân đạp lá khô, là má lật đật từ bếp ra hiên nhà trước, tóc đầy bụi khói than, miệng nở nụ cười bao dung nói trước câu thưa của đứa con: đồ ăn má nấu xong rồi kìa...

Tôi là đứa có cái chân đi. Lúc mới đẻ tôi, má nói nhìn thấy mấy mụt ruồi dưới chân là má âu sầu rồi. Con gái có mụt ruồi dưới chân, cái trán thì dô ra bướng bỉnh, lúc biết đi thì tướng đi khí thế như con trai là ham lang thang quên cửa quên nhà, đâu có thèm chi để ý bếp núc của má. Và thiệt, lớn lên thì tôi đi miết. Nhưng tôi mê cái bếp của má.

Cái bếp là khoảng nhớ nhất của tôi về nhà mình. Nó đúng là góc bếp chái hè, bởi ba tôi khoái gió đồng từ phía sau hè nhà, nên cái bếp tồn tại như nó ngẫu nhiên phải ở đó. Hồi mới cất nhà, ba tôi cất tạm gian bếp cho má nấu cơm. Ba đấp một mô đất hơi cao để vừa đủ 2 cái lò đất, đóng một cái bàn bằng tre để cả nhà ngồi ăn cơm. Từ chỗ ngồi nấu và ngồi ăn cơm này, có thể nhìn ra cánh đồng để đón mùa lúa xanh rờn, ngẩn ngơ với lúa chín vàng đồng hay còn có thể buổi sáng nấu ấm nước sôi cho ba châm trà mà ngó ra được phía bờ đê trông bóng áo bà ba nón lá má lấp xấp đi chợ về.

Bếp thân thương vậy, dù có lúc nó xập xệ với 2 cái lò đất, có cái bị sứt mất ông táo phải kê đỡ vô bằng cục gạch nhưng vẫn đỏ lửa mỗi sáng mỗi chiều. Lúc khá giả hơn thì những chiếc lò tử tế nằm trên giàn bếp tráng xi măng... nhưng bởi là bếp củi, nên bếp nhà má tôi không bóng loáng sáng trưng. Lọ nghẹ ở khắp nơi từ ông táo cho tới mấy cái đít nồi, đít chảo. Điều này rất tiện cho mấy trò chơi đánh cờ quẹt lọ nghẹ hồi tuổi thơ. Những chiếc nồi của má tôi xài từ thửa nảo thửa nào. Có mấy chiếc có từ thời đồ gang đồ nhôm còn thông dụng, nhìn cũ kỹ lắm. Vậy mà, bếp má nấu cái gì cũng ngon lành, thơm tho, nhung nhớ.

Bởi vậy nên mấy lần nấu ăn cho chính mình ở gian bếp bóng loáng, tôi nhớ quá cái mùi khói bếp nhà má. Nó có mùi theo từng mùa: mùa củi nhãn, mùa củi ổi, mùa củi xoài, mùa bập dừa hay kể cả mùi của mùa mưa: củi lửa cháy không đều nồng lên um nhà... toàn là những thứ mùi nhắc đến là nghe mắc khóc.

Thế nên, lần nào về, tôi cũng giành nhóm lửa, cũng chỉ để nhìn lửa bén lách tách từng cành củi má tôi phơi khô cất cự để dành. Chái bếp vẫn ở sau hè, và bây giờ không còn đồng ruộng nữa, nhưng vẫn có gió mát từ xạt xào đem tới mùi lá thơm. Cũng không còn ba, để sáng sớm ngồi đun sôi ấm nước pha bình trà thơm mùi lài. Nhưng nơi chái bếp, má tôi đang đun sôi một nồi nước lá: lá xả, lá bưởi, lá quế khâu... để dành cho đứa con đi xa về gội đầu. Má vậy đó, luôn có thứ gì để bắt đứa con có nhiều mụt ruồi dưới chân, dù có đi đâu, cũng vấn vít thương mùi chái bếp.

Nhã Linh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn