Chống xuống cấp di tích, bảo tồn văn hóa phi vật thể
Cập nhật ngày: 11/05/2016 13:03:32
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2016, gần 5 năm qua, ngành văn hóa tỉnh đã tích cực trong công tác chống xuống cấp di tích và bảo tồn văn hóa phi vật thể.

Khu di tích Gò Tháp chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị
Các di tích Quốc gia đặc biệt và di tích cấp Quốc gia được đầu tư từ chương trình MTQG văn hóa, trong đó có chương trình chống xuống cấp di tích đã có tác động lớn đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Chẳng hạn như đã tránh được một di tích (đình Long Khánh ở huyện Hồng Ngự - đình lớn nhất Nam bộ) khỏi nguy cơ sụp đổ xuống sông Tiền do tình trạng lở đất; ở quần thể Khu di tích (KDT) Gò Tháp (huyện Tháp Mười), các công trình kiến trúc và di vật nơi đây sau khi được phát hiện đã được Ban giám đốc KDT Gò Tháp xây dựng hệ thống mái che và thoát nước thích hợp để bảo vệ và giới thiệu di tích đến với du khách; các KDT Nguyễn Sinh Sắc, Xẻo Quít, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê,... được trùng tu tôn tạo khang trang đã trở thành điểm đến thường xuyên của du khách thập phương và trở thành những điểm du lịch trọng tâm của tỉnh.
Ngoài ra, nhiều di tích đình, chùa được trùng tu tôn tạo như: đình Long Khánh, đền thờ Thượng Tướng Quận công Trần Văn Năng, đình Phú Thuận, Tân Phú Trung hay chùa Hòa Long, chùa Bửu Lâm huyện Lai Vung đã tác động lớn đến đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư, góp phần tích cực, không chỉ trong việc giữ gìn sự bền vững của di tích mà còn đóng góp không nhỏ về dư luận xã hội, về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó nhân dân tin tưởng hơn về chính sách của Nhà nước đối với công tác tôn giáo và tín ngưỡng. Chương trình chống xuống cấp di tích đã góp phần cho cộng đồng dân cư nơi hưởng thụ chương trình phấn khởi vì cộng đồng không những cùng tham gia đóng góp sức người, sức của cho công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản mà còn hăng say lao động sản xuất góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Các di tích lịch sử cách mạng được trùng tu, tôn tạo góp phần đắc lực phục vụ nhiệm vụ chính trị thông qua công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đối với chương trình bảo tồn văn hóa phi vật thể, gần 5 năm qua, ngành văn hóa tỉnh đã triển khai thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một như: đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp, lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống đan lát,... Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể mà còn làm sống lại các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương. Nghệ sĩ ưu tú Đinh Minh Mẫn - Trưởng Đoàn Văn công Đồng Tháp cho biết, để giữ “hồn” hò Đồng Tháp và phát huy hò Đồng Tháp, Đoàn Văn công thường xuyên đưa các tiết mục hò Đồng Tháp vào chương trình nghệ thuật theo hình thức đố vui thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.
Bên cạnh đó, thông qua việc kiểm kê, đánh giá khoa học, truyền dạy, thực hiện các video clip đã làm cho giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà được truyền bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong trường học, cơ quan xí nghiệp,... đã có tác động sâu rộng đến đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo cộng đồng dân cư, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chương trình MTQG về văn hóa giai đoạn 2012 - 2016 đã được Trung ương và tỉnh đầu tư đúng mục tiêu và có trọng điểm nên phát huy tốt hiệu quả, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời khai thác có hiệu quả du lịch, dịch vụ gắn với di sản văn hóa phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc đầu tư nguồn vốn để chống xuống cấp di tích; tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần thực hiện về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Như Anh