Đạo lý của dân tộc - một trong những nền tảng của văn hóa

Cập nhật ngày: 28/12/2021 05:53:05

Những ngày gần đầy, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 tổ chức tại phòng họp Diên Hồng - tòa nhà Quốc hội, từ “văn hóa” và các cụm từ hay mệnh đề kèm theo như: “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; “văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập”; “phục hưng văn hóa”; “đạo đức - nền tảng của văn hóa”... được nhắc đến với tần suất cao trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trong giao tiếp hàng ngày.

Trong bài viết ngắn này, xin bàn thêm và phát triển rộng hơn mệnh đề “đạo đức - nền tảng của văn hóa”. Theo tác giả bài viết này, nền tảng của văn hóa không chỉ có “đạo đức”, mà sâu rộng hơn, còn là “đạo lý của dân tộc”. Nghĩa là văn hóa không chỉ xuất phát và gắn chặt với đạo đức con người trong tiến trình thời gian, mà hơn thế, nó còn xuất phát và tiếp biến từ đạo lý của dân tộc đã được xác lập, phát triển và định hình từ xưa đến nay.

“Đạo lý của dân tộc”, hiểu một cách mộc mạc, giản dị nhất, đó là những tiêu chuẩn tinh thần (và cả tâm linh) đúng đắn, chuẩn mực, đẹp đẽ, đã được chắt lọc, tổng kết qua thời gian, giúp mọi người lấy đó làm mẫu mực để noi theo, làm theo. Xét trên một phương diện nào đó, “đạo lý” chủ yếu gắn với cộng đồng, xã hội, dân tộc. Còn “đạo đức” thường gắn với từng cá nhân cụ thể. Đạo lý rộng hơn và bao hàm đạo đức. Khi diễn đạt “đạo lý, đạo đức...” đi kèm là có ý nhấn mạnh cấp độ khác nhau của hai phương diện ngữ nghĩa nói trên.

Dân tộc Việt Nam có một kho tàng đạo lý vô cùng đầy đặn, phong phú trên tất cả mọi phương diện và lĩnh vực của cuộc sống. Có thể nêu mấy ví dụ minh họa: Trong đại dịch Covid -19 đang diễn ra, chúng ta thường nghe nhắc đến thành ngữ: “Lá lành đùm lá rách” hay tục ngữ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”... để nhắc nhở, cổ vũ Nhân dân luôn biết hỗ trợ, giúp đỡ một cách tích cực, thiết thực, hiệu quả đối với những nơi đại dịch diễn biến dữ dội, có nhiều mất mát, tổn thất. Đây chính là cách diễn đạt cô đúc về đạo lý “đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau” của dân tộc Việt Nam. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) vừa đi qua, các thành ngữ, tục ngữ: “Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”... là những cụm từ hay mệnh đề sáng ngời đạo lý coi trọng vai trò người thầy dạy học, coi trọng “đạo học” và đạo lý “hiếu học” của người Việt. Bài ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nuồn chảy ra” mà bất cứ người Việt nào cũng thuộc nằm lòng, chính là đạo lý hiếu nghĩa, biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Về mặt nguyên tắc, không người con nào không phải noi theo, làm theo. Lòng biết ơn, hàm ơn cũng là một nét đạo lý cao cả của dân tộc Việt, được nêu một cách ngắn gọn, giàu khơi gợi trong: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”...

Những điều nêu ở trên đều là văn hóa, nó không chỉ hiện hữu trong những cá nhân cụ thể như là một phẩm chất “đạo đức”, mà hơn thế, tồn tại lâu bền, mạnh mẽ trong hồn cốt cả dân tộc bằng tên gọi “đạo lý”. Phục hưng văn hóa, không chỉ phục hưng “đạo đức” mà cần phải tiếp tục gìn giữ, phát huy “đạo lý của dân tộc”. Hay nói cụ thể hơn, để giáo dục và hình thành “đạo đức”, cũng như “làm mới, làm đẹp đạo đức” của từng cá nhân, nhất thiết phải biết lấy những phẩm chất “đạo lý” tốt đẹp của dân tộc như là một mẫu mực để noi theo, làm theo.

Dạy một học sinh tiểu học phải biết lễ phép với người lớn, với thầy cô giáo, biết ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, ngoài những tri thức và kỹ năng trong chương trình môn Đạo đức, có lẽ những nét “đạo lý của dân tộc” đã được đúc rút như: “Kính trên, nhường dưới”, “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”... vẫn mãi là những nguyên lý cần tham khảo và hướng dẫn cho các em một cách đúng đắn và phù hợp nhất.

Nhân đây, xin nhắc lại sự kiện (hay sự cố?) GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm đề xuất gỡ bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, gây “bão” trong xã hội, nhất là trên công đồng mạng trong những ngày gần đây. Chưa nói đến cách hiểu của GS. Thêm về ngữ nghĩa của mệnh đề này, có lẽ khó đồng nhất với cách hiểu của nhiều người. Chỉ xét trên bình diện “đạo lý của dân tộc” và việc kế thừa, làm theo nó, sẽ thấy, đề xuất của GS. Thêm chưa thuyết phục, dù được ông biện giải khá kỹ bằng những lý lẽ riêng. Bởi vì, câu khẩu hiệu này chính là một khía cạnh “đạo lý của dân tộc” Việt Nam. Nó khẳng định nguyên lý đề cao “cái đức” của con người. Đạo đức (lễ) bao giờ cũng là tiêu chí quan trọng đầu tiên mà con người phải học, phải rèn luyện, tu dưỡng để có được, trước khi nghĩ đến việc tiếp nhận tri thức, kiến thức, kỹ năng... (văn).

Không chỉ coi chỉ “đạo đức” là nền tảng của văn hóa, cũng như không chỉ chấn hưng văn hóa bằng chấn hưng “đạo đức”, mà song song, có khi quan trọng hơn, là phải coi “đạo lý của dân tộc” cũng là một trong những nền tảng của văn hóa và quá trình kế thừa “đạo lý của dân tộc”, với những nét đẹp đã kết tinh qua thời gian, làm nên hồn cốt của dân tộc, cũng là một công việc vô cùng quan trọng hiện nay. “Đạo đức” xã hội, gắn với từng cá nhân cụ thể đang xuống cấp thấy rõ, mới cần chấn hưng. Còn “đạo lý của dân tộc” thì bao giờ cũng sáng bừng đẹp đẽ, trường tồn, nên chỉ cần kế thừa, phát huy là được.

Từ “đạo lý của dân tộc” mà xác lập, hình thành, phục hưng “đạo dức” của từng con người cụ thể, qua đó, làm nên “đạo đức” của cộng đồng, xã hội. Vả chăng, đây mới chính là một trong những con đường cơ bản, bền vững nhất trong việc phục hưng cái đẹp, cái chuẩn của “đạo đức”, cũng như tìm lại hình ảnh lung linh vốn có của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ít nhiều đã bị mai một.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn