Đạo sắc hiếm tìm thấy ở đình Vĩnh Phước, thành phố Sa Đéc
Cập nhật ngày: 15/11/2013 05:59:25
Trong tháng 10 vừa qua, với yêu cầu muốn tìm hiểu lai lịch nhân vật có công trong buổi đầu cai quản, bảo vệ và phát triển đạo Đông Khẩu, đặt nền móng cho thành phố Sa Đéc hôm nay là Sĩ hòa hầu hoặc Nhân hòa hầu, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh được Ban tế tự tạo điều kiện cho xem các tờ sắc còn lưu giữ tại đình.
Đạo sắc năm Minh Mạng thứ III đống ấn “Phong tặng chi bảo” cấp cho
Nhân hòa hầu đang lưu giữ ở đình Vĩnh Phước
Trước nay được biết đình Vĩnh Phước thờ thần Thành hoàng bổn cảnh (sắc phong năm Tự Đức thứ V, tức 1852) như nhiều đình khác. Đến năm 1946, miếu thờ Tống phủ quân Tống Phước Hòa ở làng Tân Phú Đông hư sập, quân Pháp phá bỏ xây trại lính, nên bốn đạo sắc cấp cho ông được gởi vào thờ trong đình Vĩnh Phước. Hiện đình còn lưu giữ tất cả sáu đạo sắc: một đạo cấp cho thần Thành hoàng bổn cảnh, bốn đạo cấp cho Tống phủ quân Tống Phước Hòa gởi vào và đạo sắc có niên đại xưa nhất (năm Minh Mạng thứ III, tức 1822) cấp cho Cai cơ Đông Khẩu đạo Nhân hòa hầu. Đạo sắc này có nội dung như sau:
Dịch âm: Sắc Cai cơ quản Đông Khẩu đạo Đặc tiến Phụ quốc Nhân hòa hầu kinh sự tiên triều nẫm trứ thanh tích hiện hữu xã dân phụng lễ, kim quang thiệu hồng đồ nghi long hiển hiệu khả gia phong Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Vĩnh An huyện, Vĩnh Phước thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Cố sắc.
Minh Mạng tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhựt.
Ấn “Phong tặng chi bảo”
Dịch nghĩa: Sắc cho Cai cơ đạo Đông Khẩu Đặc tiến Phụ quốc Nhân hòa hầu, từng phụng sự triều đại trước có nhiều danh tiếng, thành tích rõ rệt, được dân làng thờ phượng. Nay ta nối tiếp làm sáng tỏ nghiệp lớn, luôn nghĩ đến công đức của Thần và để làm rạng rỡ danh hiệu, nên gia phong cho Thần là Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần, lịnh cho thôn Vĩnh Phước, huyện Vĩnh An thờ phượng như trước. Thần hãy cùng giúp đở, bảo vệ dân lành của ta.
Nên có sắc này!
Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ III (1822).
Ấn “Phong tặng chi bảo”
Đây là đạo sắc rất hiếm có, được cấp cùng ngày với sắc gia phong cho Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh: ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ III (1822), đóng ấn Phong tặng chi bảo và kết thúc phần chính văn bằng hai chữ Cố sắc, chớ không phải đóng ấn Sắc mệnh chi bảo và chấm dứt phần chính văn bằng hai từ Khâm tai như các sắc Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sau này. Theo các nhà chuyên nghiên cứu về sắc phong, hiện nay trên toàn Nam bộ loại sắc phong này còn tìm thấy không quá bốn, năm lá.
Nhân hòa hầu là ai?
Nhân vật được phong tước hầu này trong một số sách sử xưa còn được ghi chép bằng một vài tên gọi khác, như: Hầu tước Sĩ hòa, Sĩ hòa hầu, Nhân thanh hầu. Về lai lịch của nhân vật này đến nay còn tìm thấy rải rác trong một số cổ sử như: Gia Định thành thông chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống, Mạc thị gia phả, Lịch sử Xứ Đàng Trong... Qua đó, tiểu sử của ông có thể tóm tắt như sau:
Nhân hòa hầu tên là Nguyễn Hữu Nhân, người Tống Sơn (Thanh Hóa) tham chính dưới triều chúa Nguyễn Phước Khoát (1714-1765), tùng sự dưới quyền Thống suất Trương Phước Du và Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh. Năm 1757, Nguyễn Hữu Nhân được giao trọng trách cai quản đạo Đông Khẩu. Ông thiết lập trụ sở hành chánh, quân sự quản lý đạo Đông Khẩu bên bờ rạch Cái Sơn, phía thôn Vĩnh Phước. Là vùng đất mới, chợ Sa Đéc lại đông dân phức tạp, ông áp dụng lối cai trị nghiêm minh, ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện cho chợ ngày càng phát triển. Chính vì vậy mà vào đầu thế kỷ XIX chợ Sa Đéc trở thành một trong vài trung tâm thương mại sầm uất ở Nam bộ.
Ngoài ra, Nguyễn Hữu Nhân còn góp phần đánh tan quân Xiêm, bảo vệ biên cương phía tây nam. Quân Xiêm khiếp đảm chạy trốn cũng bị chém, bị thương, bị đói khát chết mất quá nửa và cuối cùng chúng thấy đất Long Hồ nhiều hiểm yếu, nên không dám tái phạm. Năm Nhâm Thìn (1772) Nguyễn Hữu Nhân lâm bịnh nặng, Cai cơ Tống Phước Hòa được cử thay thế làm Tổng binh Đông Khẩu đạo. Sau đó Nguyễn Hữu Nhân qua đời.
Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân địa phương lập đền thờ ở thôn Vĩnh Phước. Sau khi lên ngôi, Gia Long sắc phong ông là Quảng ân Trung đẳng thần. Đến năm Minh Mạng thứ III (1822) được gia phong Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần chuẩn cho thôn Vĩnh Phước thờ phụng như cũ.
Đạo sắc này giúp hậu thế biết, người đặt nền móng đầu tiên, giúp cho chợ Sa Đéc phát triển thành thành phố ngày nay chính là Nhân hòa hầu Nguyễn Hữu Nhân và đình Vĩnh Phước là ngôi đình còn lưu giữ đạo sắc quý hiếm nhứt ở Nam bộ.
ThS. Nguyễn Hữu Hiếu