Trại sáng tác văn học về “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”:
Đất Sen hồng - kết nối những tâm hồn văn chương
Cập nhật ngày: 07/10/2015 12:25:52
Nửa tháng ở lại đất Sen hồng là thời gian không quá dài nhưng đủ để các nhà văn, nhà thơ cảm nhận được tình cảm của đất và người Đồng Tháp, thể hiện qua những tác phẩm thơ, văn liên tiếp được “trình làng”. Xa hơn, từ mạch nguồn cảm xúc của các trại viên sẽ còn cho ra đời những “đứa con tinh thần” viết về Đồng Tháp gửi đến bạn đọc.

Một chuyến đi thực tế của các trại viên
Trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp phối hợp tổ chức. Tham gia trại có 23 trại viên là nhà thơ, nhà văn đang làm việc, công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Trong 15 ngày đi thực tế, giao lưu, đối với các trại viên, Đồng Tháp đã thật sự là vùng đất kết nối văn chương, gợi thật nhiều cảm xúc cho nhà văn, nhà thơ. Có lẽ vì vậy mà chỉ bấy nhiêu thời gian, đã có trên dưới 100 tác phẩm bản thảo văn, thơ được các trại viên sáng tác ngay tại mảnh đất Sen hồng. Trong đó, có thể kể đến các tác giả như Trần Hữu Dũng với chùm thơ mang âm hưởng sông nước miền Tây: Mùa nước nổi, Kiếp thương hồ, Nhật ký ở sân chim Đồng Tháp Mười,...; Trần Huy Minh Phương - một cây bút trẻ, một “hoạt náo viên” của trại đã bất ngờ có chùm thơ với giọng điệu riêng, đó là: Dáng người xưa trong chiều Cao Lãnh, Gáo Giồng, Miên man Đồng Tháp,... Nhà thơ Ngô Thanh Vân đến từ tỉnh Gia Lai đã có những bài thơ viết dưới nhiều góc độ về chiến tranh, về cuộc sống thường ngày, về những gì đang diễn ra. Hay nhà thơ Vũ Thiên Kiều đặc sắc với chùm thơ sen: Gặt chữ ở lưng sen, Giao hưởng sếu và sen, Buồm sen và chiếc cũi, Vũ điệu sen Đồng Tháp, Về với Gáo Giồng (trong bài thơ Về với Gáo Giồng, tác giả có những câu thơ giàu cảm xúc, làm say đắm lòng du khách: Gáo Giồng ai nhớ ai thương/Buổi dầm khẽ nước ngỡ đường về xưa/Cơm sen ai nấu có vừa/Củ khoai ai nướng gọi mưa lấp vồng/Cánh cò trắng/Áo ai hồng/Dòng sâu mấy cá cho cồng cộc say/Ví dầu muối ớt giã chày/ Tràm xanh bện với gió ngày làm đôi/ Dường như nắng ửng lên rồi/ Dường như ai đã chạm môi Gáo Giồng). Nhà thơ Trần Võ Thành Văn cũng có chùm thơ 6 bài bằng lối viết mới mẻ, sắp xếp những ẩn dụ một cách có ý thức đã cho người đọc sự cảm nhận tinh tế. Và còn nhiều trại viên khác trong và ngoài tỉnh như: Nguyễn Trọng Quý, Thai Sắc, Bạch Phần, Thu Truyền, Lê Quang Trạng, Trương Công Tưởng, Phan Tùng Sơn, Nguyễn Thánh Ngã,... đã có những tác phẩm thơ, văn xuôi gây ấn tượng bằng sự chắc chắn, chỉn chu đầy chất chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người nhưng cũng không kém phần tươi mát, chân thực, giàu sức sống.
Phút lưu luyến tạm biệt Đồng Tháp và những trại viên gắn bó suốt những ngày qua, các nhà văn, nhà thơ đã tâm sự rất nhiều, bày tỏ tình cảm chân thành đối với vùng đất mà mình chỉ lần đầu hoặc đôi lần đặt chân đến. Phát biểu giao lưu trong buổi bế mạc trại, nhà thơ Vũ Thiên Kiều đến từ tỉnh Kiên Giang bộc bạch: “Rất cảm động. Chính tình của những bạn văn, thơ, các lãnh đạo của tỉnh, của cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân đã tạo cho các nhà văn, nhà thơ một sự đam mê, một niềm yêu, yêu thật sự, yêu Đồng Tháp như là yêu sen”.
Đồng Tháp - miền đất mà mới hôm qua, với nhiều trại viên còn khá xa lạ. Giờ đây, các nhà văn, nhà thơ có thêm những tình bạn, những kinh nghiệm sáng tác mới. Theo đại tá Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, 15 ngày trôi qua, chia tay tạm biệt nhau, mỗi người trở về với cuộc sống đời thường. Trại viết cũng đã có một số lượng bản thảo dồi dào. Những trang sáng tác ta thấy đó vẫn còn những nhiệm vụ với đề tài đấu tranh cách mạng, nhưng thấy rõ hơn là những xúc cảm chân thành, có chiều sâu, gửi gấm, tin cậy, có những yêu thương đối với người và đất Đồng Tháp. Rất nhiều những bài thơ, những câu thơ thu hoạch được từ trại sáng tác không chỉ đến người Đồng Tháp xao lòng mà còn khiến bạn đọc ở bất cứ đâu cũng thấy xao lòng. Đó là điều tuyệt vời nhất mà trại đã đạt được.
Mặc dù bận công việc, không tham dự lễ bế mạc được nhưng Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã gửi thư cảm ơn, trong thư có đoạn viết: “Tuy thời gian lưu lại mảnh đất này không lâu, nhưng chúng tôi mong rằng các bạn cũng kịp nhận ra điều gì đó khác biệt đối với vùng đất, con người vùng Đồng Tháp, để rồi mai đây, mỗi người một phương trời, nhưng các bạn cũng cảm nhận, lắng động về hồn văn hóa một Đồng Tháp sắc thắm sen hồng của chúng tôi. Trong bộn bề công việc, chắc chắn chúng tôi sẽ có những điều chưa làm tròn trách nhiệm của chủ nhà, mong rằng sẽ nhận được những lời chia sẻ và góp ý chân tình đối với chúng tôi. Với bất cứ nơi nào bạn đặt chân đến, hãy đến bằng cả trái tim. Quả đất tròn, thế giới phẳng sẽ có ngày chúng ta có dịp gặp nhau trên mọi nẻo đường. Rất nóng lòng đón nhận những thành quả của các bạn trong những ngày tìm cảm hứng và sáng tác trên đất Sen hồng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và tình cảm cá nhân, tôi xin chúc các bạn gặt hái được nhiều thành công trong nghề và nghiệp mà mình đã chọn lựa, làm tròn sứ mệnh của những người tưới mát tâm hồn cho mọi người”.
Tin chắc rằng, qua những chuyến đi thực tế ở Gáo Giồng, Gò Tháp, Xẻo Quít, Dinh Bà, giao lưu với Công an và Bộ đội Đồng Tháp,... trong mỗi thành viên dự trại sáng tác đã có những nung nấu, ấp ủ mà như đại tá Nguyễn Bình Phương đã chia sẻ: “Khi rời Đồng Tháp, mỗi nhà văn, nhà thơ đều mang theo một màu sen, đến dịp nào đó, sẽ tặng lại cho Đồng Tháp những bông sen đặc biệt, đó chính là những tác phẩm của những người có niềm đam mê văn học vô bờ bến sáng tạo ra nó”.
Hữu Nghĩa