Hội Khoa học Lịch sử Đồng Thá

Dấu ấn một chặng đường

Cập nhật ngày: 14/09/2017 06:34:35

ĐTO - Sau 17 năm thành lập (năm 2000), Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp đã có bước phát triển vững chắc và đang dần khẳng định vị thế xứng đáng là một hội thành viên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tổ chức hội đặc thù của tỉnh và thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp.


Đại hội Hội Khoa học Lịch sữ Đồng Tháp lần thứ 3 nhiệm kỳ 2015-2020

Những dấu ấn

Thành quả nổi bật đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử (gọi tắt là Hội Sử học) tỉnh Đồng Tháp là sự thành công trong việc gầy dựng, củng cố về mặt tổ chức Hội. Đến nay, Hội có trên 1.000 hội viên, bao gồm những cán bộ về hưu, nhà nghiên cứu, giảng dạy, quản lý trên lĩnh vực lịch sử - văn hóa; những người yêu thích, viết lách, tham gia vào các hoạt động lịch sử, văn hóa ở địa phương. Hội hình thành 12 huyện hội và chi hội viên, tổ chức của Hội hiện được phủ khắp các địa phương trong tỉnh, đặc biệt có địa phương đã thành lập đến hội xã (huyện Thanh Bình).

Thuộc Tây Nam bộ - vùng đất được khai phá vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII, Đồng Tháp có hàng loạt di tích lịch sử và văn hóa: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Di tích lịch sử - văn hóa – khảo cổ Gò Tháp, Căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Kiến Phong (Xẻo Quít), Đình Phú Hựu, Đình Long Khánh, Đền thờ Trần Văn Năng, Di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung... Từ những đặc thù trên, Hội Sử học tỉnh Đồng Tháp đã xác định được trách nhiệm vô cùng nặng nề trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu khoa học, biên soạn lịch sử địa phương.

17 năm qua, Hội đã tổ chức, phối hợp tổ chức hoặc tư vấn giúp đỡ các địa phương, ban, ngành trong tỉnh tổ chức hàng chục cuộc hội thảo về những sự kiện lịch sử liên quan. Đặc biệt, hội thảo về những nhân vật có vấn đề (có những khuất tất trong lịch sử hay những điều lịch sử ghi chép không đúng) được tổ chức hàng năm và xem là dấu ấn quan trọng. Hội thảo đã quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên địa bàn tỉnh tham gia. Hội thảo này không chỉ gây tiếng vang lớn mà quan trọng là đã giúp cán bộ, nhân dân tiếp cận nhiều thông tin đáng tin cậy về với cội nguồn của quê hương. Từ đó, tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và phát huy những giá trị truyền thống của cha ông xây đắp nên trong hàng trăm năm qua.

Hội còn có nhiều nỗ lực trong việc biên soạn các công trình lịch sử, hoàn thành, xuất bản hàng chục đầu sách như: Hồi ký “Xứ ủy Nam bộ với chiến khu Đồng Tháp Mười huyền thoại” (giai đoạn 1946 – 1949); Hồi ký 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954) “Đi vinh quang - Ở anh dũng”; “Đồng Tháp đất và người” tập I, II, III; Ông bà Đỗ Công Tường và thành phố Cao Lãnh; Đồng Tháp thế kỷ XX một cách nhìn... Hội cũng cử đại diện làm cố vấn cho bộ phim tài liệu lịch sử “Đồng Tháp đất và người” (9 tập), phản biện các đề tài nghiên cứu lịch sử truyền thống cách mạng của huyện, xã trong tỉnh...

Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng mối quan hệ với nhiều Hội Khoa học Lịch sử của các tỉnh bạn, tham gia những hội thảo khoa học do Trung ương và các tỉnh thuộc khu vực Nam bộ tổ chức. Nhiều hội viên của Hội tham gia viết, xuất bản, phát hành các tác phẩm lịch sử, trong đó có một số tác phẩm đạt giải thưởng cấp Quốc gia. Đặc biệt, Hội đã duy trì ấn phẩm “Đồng Tháp xưa và nay” suốt 17 năm, đã phát hành 58 số với hàng ngàn bài viết có chất lượng; đã có hàng trăm bài báo do hội viên của Hội thực hiện được đăng tải trên các báo, tạp chí địa phương và Trung ương.


Hội thảo Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên tại đền thờ gia tộc tại huyện Lấp Vò

Tham vọng lớn...

Trong tư vấn, phản biện những vấn đề liên quan đến lịch sử trên địa bàn, những tiếng nói của Hội đều có giá trị thực tiễn, được dư luận xã hội ủng hộ. Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực trong việc truyền bá tri thức lịch sử, tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, tự tôn, tự hào về quê hương, đất nước cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Thông qua thư mục điện tử của Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông Lịch sử trực thuộc Hội (hoạt động từ năm 2008), Hội đã cung cấp đến độc giả gần 3.000 đầu sách và hướng dẫn cho hàng trăm sinh viên làm luận văn tốt nghiệp đại học, sau đại học, cung cấp tư liệu cho độc giả, cơ quan nghiên cứu khoa học lịch sử trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, để cung cấp những tư liệu lịch sữ quý giá về Nam bộ đến gần hơn với độc giả trẻ, những nhà nghiên cứu lịch sử vùng Tây Nam bộ, năm 2016, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp đã kiến nghị với Hội Khoa học Lịch sử Trung ương đề xuất và được chấp thuận thành lập Trung tâm Tư liệu Lịch sữ Phương Nam trực thuộc Hội Trung ương, đặt tại Đồng Tháp. Trung tâm này có chức năng sao chép nguyên bản tư liệu từ kho tàng tư liệu Trung ương cung cấp đến độc giả; nghiên cứu, dịch thuật các sách Hán, Nôm cung cấp đến cơ quan nghiên cứu, sinh viên trong và ngoài tỉnh (nếu có nhu cầu) nhằm mở ra hướng tiếp cận văn hóa, lịch sử đến độc giả một cách phong phú và toàn diện diện hơn.


Hội sử học đi thực tế tại Cà Mau

Ông Nguyễn Hữu Hiếu – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Mặc dù đóng góp một phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tự tôn, tự hào về quê hương, đất nước cho các tầng lớp nhân dân, tuy nhiên, trăn trở của Hội hiện nay là phương tiện mở “chìa khóa” hướng về cội nguồn lịch sử dân tộc thế hệ trẻ không tiếp cận được, bởi phần lớn các sách lịch sử văn hóa cổ là chữ Hán, Nôm. Do đó, trách nhiệm lớn lao mà cũng là tham vọng của Hội chính là hướng đến mở lớp học miễn phí truyền dạy cho lớp thế hệ sau biết và đọc được những sách Hán – Nôm để họ có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu về cội nguồn của quê hương. Qua đó, phát huy những giá trị truyền thống của cha anh xây đắp”.

Nhìn lại chặng đường 17 năm với nhiều hoạt động nổi bật, đóng góp vào sự phát triển văn hóa, xã hội ở địa phương, thành tích của Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp đã được ghi nhận bằng những Bằng khen của UBND tỉnh, của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam... Ông Nguyễn Hữu Hiếu cho biết thêm, bên cạnh tham vọng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thời gian tới, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, nhất là trong các hoạt động tư vấn, phản biện; giáo dục, phổ biến kiến thức lịch sử để xây đắp niềm tự hào, tự tôn về các giá trị truyền thống của quê hương, đất nước.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn