Đẩy mạnh xây dựng môi trường ứng xử văn hóa trong trường học

Cập nhật ngày: 27/03/2024 13:43:27

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240327014431dt2-7.mp3

 

ĐTO - Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299 phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” (viết tắt là Đề án). Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa. Đồng thời xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.


Cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh Trường THPT TP Cao Lãnh luôn quan tâm xây dựng môi trường ứng xử văn hóa trong trường học

Nhằm cụ thể hóa Đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố; trường THPT trên địa bàn quan tâm xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học, giúp các thành viên trong nhà trường nhận thức đúng, thực hiện hành vi ứng xử văn hóa trong học đường. Đồng thời xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Đặc biệt, chú trọng thực hiện các quy định về đạo đức là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo. Qua đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho người học noi theo.

Trong thực hiện Đề án, cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục gương mẫu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, người lao động, người học thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nền nếp, kỷ cương trường học. Giáo viên, nhân viên và người lao động nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học sinh. Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự “người thầy”; luôn “tự soi”, “tự sửa”; thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy, văn hóa ứng xử trong trường học là vấn đề hết sức quan trọng, được cả xã hội quan tâm.

Hiện tại, ngành giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên, gia đình và cộng đồng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học. Quan tâm giáo dục lòng yêu nước, yêu thương con người và truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc ta; nêu gương cán bộ, nhà giáo, nhân viên và người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử, các cá nhân điển hình, mô hình nhà trường thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa ứng xử.

Cùng với đó, thực hiện giáo dục văn hóa ứng xử, văn hóa học đường đối với đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên trong toàn trường. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử đến từng viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên của trường. Cán bộ quản lý, nhà giáo là những người luôn đi đầu trong việc thực hiện quy tắc ứng xử để làm gương cho học sinh, sinh viên noi theo. Tăng cường tổ chức các hoạt động thi đua xây dựng trường học văn hóa, văn hóa ứng xử, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên một cách thiết thực, thường xuyên và hiệu quả phù hợp với điều kiện của các trường học trên địa bàn tỉnh.

TIẾN ĐẠT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn